Giấc mơ pin thể rắn 'ngon bổ rẻ' vẫn còn xa vời
Chi phí sản xuất, độ an toàn, khả năng giữ nhiệt độ ổn định là các rào cản để đưa pin thể rắn vào sản xuất hàng loạt.

Pin thể rắn từ lâu đã được ca ngợi là giải pháp năng lượng lý tưởng cho kỷ nguyên xe điện, nhờ mật độ năng lượng cao, khả năng sạc nhanh và tính ổn định. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ này vào sản xuất hàng loạt có thể bị trì hoãn đáng kể.
Dù nhiều hãng xe từng đặt mục tiêu khởi động sản xuất ngay từ năm 2026, giới chuyên gia hiện cho rằng những kế hoạch này khó khả thi.
Sản xuất khó khăn, rào cản an toàn
Tại Diễn đàn Ôtô Trung Quốc 2025, bà Vương Phương, nhà khoa học trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Ôtô Trung Quốc, cho biết pin thể rắn đang đối mặt với bốn thách thức lớn gồm kênh dẫn ion chưa rõ ràng, quy trình sản xuất phức tạp, kiểm soát an toàn chưa đạt yêu cầu và khó triển khai sản xuất quy mô lớn.
Về bản chất, các vấn đề công nghệ, vật liệu và chi phí vẫn là rào cản lớn trong ngắn hạn. Mặc dù loại pin này có tiềm năng lớn và lợi thế toàn diện trên lý thuyết, câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng có thực sự được trải nghiệm xe dùng pin thể rắn theo đúng các mốc thời gian đã công bố hay không.
Theo bà Vương Phương, dù pin thể rắn có phạm vi an toàn rộng hơn pin lỏng, nếu vượt ngưỡng, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh các vụ cháy xe điện gây lo lắng, các hãng xe đang siết chặt quy trình kiểm nghiệm, thậm chí vượt chuẩn quốc gia để bảo đảm an toàn.

Pin bán thể rắn từng được CATL quảng cáo. Ảnh: CATL.
Vào tháng 5, Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn T/CSAE 434/2025, trong đó định nghĩa pin thể rắn đúng nghĩa là loại sử dụng chất điện phân rắn hoàn toàn, nhằm chặn các chiêu tiếp thị gây hiểu lầm với cụm từ như "bán thể rắn".
Một số hãng như SAIC hay Gotion từng quảng bá tính an toàn của pin thể rắn, nhưng đa số vẫn chưa được kiểm chứng thực tế. Kết quả trong phòng thí nghiệm không đồng nghĩa với hiệu suất thật khi sản xuất hàng loạt.
Bối cảnh ngành ô tô cũng thay đổi. Các mẫu xe lai, từng bị xem là giải pháp tạm thời, nay đang tăng trưởng mạnh. Theo Hiệp hội Xe con Trung Quốc, nửa đầu năm 2025, lượng tiêu thụ xe lai sạc điện và xe mở rộng phạm vi điện lần lượt tăng 31,5% và 16,5%.

Trạm đổi pin tốc độ cáo có thể giải quyết được khó khăn của pin Lithiumion. Ảnh: Nio.
Bên cạnh đó, công nghệ pin lithium dạng lỏng cũng cải thiện đáng kể. BYD đã giới thiệu nền tảng sạc siêu tốc vào tháng 3, cho phép xe chạy 400 km sau 5 phút sạc. Zeekr và Huawei cũng tung ra hệ thống sạc công suất cao tới 1,5 MW.
Trong khi đó, Nio đang vận hành hơn 3.000 trạm đổi pin trên toàn Trung Quốc, vượt xa số trạm sạc nhanh của Li Auto và XPeng cộng lại.
Nhờ các công nghệ sạc nhanh, đổi pin và xe lai phát triển nhanh chóng, vai trò của pin thể rắn đang dần chuyển từ thiết yếu sang tùy chọn.
Chi phí sản xuất khổng lồ
Theo công ty tư vấn Battery Intelligence, chi phí sản xuất pin thể rắn lên tới 1.200 NDT/kWh, gấp hơn ba lần so với pin lithium thông thường.
Khi cộng thêm chi phí nghiên cứu phát triển, giá xe trang bị loại pin này sẽ rất cao, khó tiếp cận đại chúng trong giai đoạn đầu.

Bên trong một nhà máy sản xuất pin. Ảnh: Cartoq.
Trang tin 36kr của Trung Quốc cho biết, với những trở ngại về kỹ thuật, hiệu năng, an toàn và giá thành, giới quan sát vẫn nghi ngờ về khả năng hoàn thành các kế hoạch sản xuất đúng hẹn. Ngay cả theo dự báo lạc quan, việc phổ cập pin thể rắn quy mô lớn có thể cần thêm khoảng 5 năm nữa.