Giá vàng nhẫn 9999 khó đoán, có nên đầu tư trong 2025?

Trong khi giá vàng thế giới hôm nay đã phục hồi nhẹ thì vàng nhẫn 9999, vàng miếng SJC tại thị trường trong nước vẫn trầm lắng.

Chiều 13-12, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.684 USD/ounce, tăng nhẹ 3-4 USD/ounce sau phiên lao dốc gần 50 USD trong ngày hôm qua. Quy đổi theo tỉ giá USD của Vietcombank, vàng thế giới đang tương đương 82,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Giá vàng trong nước giảm mạnh

Điều này khiến giá vàng trong nước bước vào phiên chiều đã có dấu hiệu đảo chiều, tăng nhẹ so với giá mở cửa.

Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng loạt niêm yết giá mua – bán ở mức 83,9 – 86,4 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá mở cửa nhưng vẫn thấp hơn 700.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua.

Tương tự, giá vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC cũng giảm 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên gần nhất, đưa giá mua bán nhẫn trơn xuống còn 83,8 – 85,2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Công ty PNJ điều chỉnh giảm đến 900.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán, đưa giá mua – bán vàng nhẫn 9999 tại đây về mức 84 – 85,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới trong phiên hôm qua giảm mạnh sau khi Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11. Biến động đột ngột này làm nổi bật sự phức tạp giữa các chỉ số kinh tế, tâm lý thị trường và giá cả hàng hóa.

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất tháng 11 tăng 0,4% so với tháng 10, gấp đôi mức tăng 0,2% theo dự báo.

 Vàng nhẫn 9999 giảm mạnh nhưng giá mua vào vẫn nhỉnh hơn giá mua vàng miếng SJC. Ảnh:T.L

Vàng nhẫn 9999 giảm mạnh nhưng giá mua vào vẫn nhỉnh hơn giá mua vàng miếng SJC. Ảnh:T.L

Theo Bloomberg, các dữ liệu kinh tế này được coi là tín hiệu đèn xanh cho Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất thêm 0,2 điểm vào tuần tới. Chính sách tiền tệ nới lỏng thường tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư vàng.

Mặc dù đợt giảm giá gần đây có thể khiến một số nhà đầu tư lo lắng nhưng có vẻ như đây là một đợt thị trường điều chỉnh do tâm lý chốt lời chứ không phải là thị trường vàng đã hết hấp dẫn.

Rủi ro và cơ hội của thị trường vàng năm 2025

Nghiên cứu về triển vọng thị trường vàng năm 2025 do Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố đã chỉ ra cả những mặt tích cực và tiêu cực trong năm sau.

Thị trường vàng đang chuẩn bị khép lại một năm với tỉ suất sinh lời tốt nhất trong hơn một thập kỷ qua - tăng 28% tính đến hết tháng 11 vừa qua. Vàng thế giới ghi nhận tới 40 lần xô đổ kỷ lục cũ và thiết lập kỷ lục mới về giá (tính theo USD) và trong quý III-2024, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu mua vàng trên toàn thị trường đã vượt quá mốc 100 tỉ USD.

Mức sinh lời khủng và tăng trưởng “nóng” về khối lượng giao dịch của vàng được hỗ trợ chủ yếu nhờ hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương và nhà đầu tư tổ chức trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và các biến động khó lường trên thị trường tài chính.

Trong quý III, nhà đầu tư phương Tây đổ xô vào thị trường vàng khi các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng của người tiêu dùng lại ghi nhận sự giảm tốc đáng kể.

Giờ đây, khi nhìn vào tương lai, mọi con mắt đều đổ dồn vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump với viễn cảnh về một chính quyền mới ưu tiên giảm thuế cho doanh nghiệp. Điều này có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ song cũng có thể gây ra lo lắng không hề nhỏ cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Một chính sách tài khóa thân thiện hơn với doanh nghiệp kết hợp với chương trình nghị sự lấy nước Mỹ làm trọng tâm của Tổng thống Trump có thể cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước. Điều này có thể sẽ kích thích các kênh đầu tư mạo hiểm “nổi sóng” trong vài tháng đầu năm 2025".

Hội đồng Vàng thế giới

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các chính sách này có làm gia tăng áp lực lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. Ngoài ra, mối lo ngại về nợ công ở khu vực châu Âu một lần nữa lại gia tăng, chưa kể đến tình trạng bất ổn địa chính trị ở khu vực Trung Đông… Những yếu tố này có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm biện pháp phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn như vàng.

Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường vàng lớn nhất trên thế giới. Hàng năm, châu Á chiếm hơn 60% nhu cầu vàng trên thế giới (không bao gồm các ngân hàng trung ương). Do đó, chúng ta không thể xem nhẹ lực cầu của khu vực châu Á đóng góp vào tỉ suất sinh lời của vàng.

Năm nay, các nhà đầu tư châu Á đã thúc đẩy hoạt động mua vàng, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu của Ấn Độ được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu trong nửa cuối năm.

Nhìn vào sức mua của các ngân hàng trung ương, có thể thấy nhóm này đã là bên mua ròng trong gần 15 năm qua. Tầm quan trọng của vàng trong kho dự trữ ngoại hối đã được công nhận rộng rãi. Vàng là một kênh trú ẩn an toàn - hoặc tăng giá nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Điều quan trọng hơn là vàng không gây ra rủi ro tín dụng, trong bối cảnh nợ công ngày càng tăng và bất ổn địa chính trị có xu hướng leo thang.

Do đó theo WGC, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm 2025 có thể vượt con số 500 tấn. Nếu sức mua dưới mức này có thể gây thêm áp lực cho giá vàng.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-vang-nhan-9999-kho-doan-co-nen-dau-tu-trong-2025-post824761.html
Zalo