Giá vàng duy trì đà tăng sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật giảm thuế
Giá vàng thế giới tiếp tục ghi nhận đà tăng trong phiên giao dịch gần nhất, vượt ngưỡng 3.300 USD/oz, giữa bối cảnh đồng USD chịu áp lực giảm giá mạnh và Thượng viện Mỹ chính thức thông qua dự luật giảm thuế do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Vào lúc 8 giờ 40 phút sáng nay (ngày 2/7, theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 3.333,6 USD/oz, giảm nhẹ 5,3 USD/oz so với mức đóng cửa tại thị trường Mỹ trong phiên trước, tương đương mức giảm gần 0,2% theo số liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá bán USD tại Vietcombank, giá vàng hiện tương đương khoảng 105,7 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với phiên sáng hôm qua.
Cùng thời điểm, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.920 đồng (mua vào) và 26.310 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở cả hai chiều so với đầu giờ sáng ngày hôm trước.

Trên thị trường New York đêm qua, giá vàng giao ngay chốt phiên ở mức 3.338,9 USD/oz, tăng 35,3 USD/oz, tương đương mức tăng gần 1,1%. Trên sàn COMEX, giá vàng giao sau cũng tăng 1,3%, đạt 3.349,8 USD/oz khi kết thúc phiên.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật giảm thuế của Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ sát nút 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Tuy nhiên, đây chưa phải là bước cuối cùng. Dự luật sẽ được chuyển trở lại Hạ viện để xem xét sau những điều chỉnh từ Thượng viện. Nếu các hạ nghị sĩ không đồng thuận với những sửa đổi, dự luật có thể bị bác bỏ.
Nhà phân tích Edward Meir từ công ty Marex nhận định với Reuters rằng: “Việc thông qua dự luật này là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng, do dự kiến sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ thêm khoảng 3.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng sự gia tăng thâm hụt có thể tạo ra áp lực lạm phát và buộc chính phủ phải tăng vay nợ, những yếu tố thường có lợi cho vàng, một tài sản trú ẩn an toàn.
Trong bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế đầy bất ổn, giới đầu tư tiếp tục tìm đến vàng như một kênh bảo toàn giá trị. Đặc biệt, sự không chắc chắn về chính sách thuế quan của Mỹ đang tác động mạnh tới tâm lý thị trường.
Ông Scott Bessent - Bộ trưởng Tài chính Mỹ ngày 1/7 cho biết các quốc gia vẫn đang trong quá trình đàm phán thương mại có thể sẽ nhận được thông báo về mức thuế quan mới, dự kiến tăng từ 10% lên 11-50% kể từ ngày 9/7 nếu chưa đạt thỏa thuận với Mỹ.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi các số liệu việc làm then chốt của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 3 và 4/7, trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Đây sẽ là những chỉ báo quan trọng đối với định hướng điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát tại Mỹ hiện đang diễn biến phù hợp với kỳ vọng nếu loại trừ yếu tố thuế quan, và rằng Fed lẽ ra đã hạ lãi suất nếu không có các rủi ro về chính sách thuế thương mại trong nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Trump.
Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với tổng mức giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu từ tháng 9.
Chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã giảm xuống 96,82 điểm trong phiên ngày 1/7, mức thấp nhất trong hơn ba năm rưỡi. Sáng nay, chỉ số này tiếp tục trượt xuống dưới ngưỡng 96,8 điểm. Sự suy yếu của USD góp phần làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản định giá bằng USD và không sinh lãi.
Bất chấp xu hướng tăng giá của vàng, SPDR Gold Trust - quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới tiếp tục bán ròng trong phiên ngày 1/7, với khối lượng 4,3 tấn, đưa tổng số vàng nắm giữ xuống còn 948,2 tấn. Tính trong hai phiên đầu tuần, quỹ này đã bán tổng cộng 6,6 tấn vàng.
Bà Rhona O’Connell - Trưởng bộ phận phân tích thị trường của công ty StoneX, dự báo giá vàng có thể điều chỉnh về mức 3.000 USD/oz trong quý IV năm nay, thậm chí thấp hơn vào cuối năm, nếu áp lực từ thị trường trái phiếu và đồng USD suy yếu dịu bớt.