Giá vàng bật tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đồng loạt suy yếu
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/7), giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng mạnh hơn 1%, nhờ sự sụt giảm của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lo ngại về thời hạn áp thuế đối ứng 1/8 đang đến gần.
Theo dữ liệu từ sàn Kitco, chốt phiên tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng mạnh 47,8 USD/oz, lên mức 3.395,7 USD/oz, đây là mức cao nhất kể từ ngày 17/6.
Nếu quy đổi theo tỷ giá bán ra của ngân hàng Vietcombank (26.340 đồng/USD), mức giá này tương đương khoảng 107,8 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với phiên sáng hôm qua.
Tỷ giá USD tại Vietcombank tiếp tục được giữ ổn định ở mức 25.950 đồng (mua vào) và 26.340 đồng (bán ra), không thay đổi so với mức đóng cửa của phiên đầu tuần và tuần trước.
Tại thị trường châu Á lúc 9 giờ sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay điều chỉnh nhẹ 9,5 USD/oz, tương đương giảm 0,28%, xuống còn 3.386,2 USD/oz.

Chỉ số Dollar Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt giảm 0,6%, tạo điều kiện thuận lợi cho đà tăng của giá vàng do kim loại quý này được định giá bằng USD. Song song đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần, khiến sức hấp dẫn của công cụ đầu tư này suy giảm rõ rệt.
Bình luận về diễn biến thị trường, ông David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại tại công ty High Ridge Futures nhận định: “Việc thời điểm áp thuế 1/8 đang đến gần góp phần gia tăng bất ổn cho thị trường, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá vàng”.
Theo hãng tin Reuters, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ nhóm họp trong tuần này để chuẩn bị phương án ứng phó với khả năng không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót. Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn và cảnh báo sẽ áp thuế 30% lên hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu bắt đầu từ ngày 1/8.
Mặc dù các yếu tố địa chính trị và thị trường tài chính đang hỗ trợ cho vàng, nhưng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất thêm đã phần nào kìm hãm đà tăng mạnh của giá kim loại quý này.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn CME cho thấy, thị trường đang đánh cược hơn 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 9.
Tuy nhiên, Fed vẫn giữ lập trường vững chắc khi các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có khả năng chống chịu tốt trước áp lực từ các chính sách thuế quan, trong khi lạm phát bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Trong bối cảnh lãi suất thấp và bất ổn gia tăng, vàng tiếp tục được giới đầu tư xem là kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, theo ông Meger, các yếu tố như khả năng Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, hay những đồn đoán xung quanh khả năng thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell và tái cơ cấu ngân hàng trung ương Mỹ, có thể khiến thị trường thêm phần dao động.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đang giảm sút. Số liệu tháng 6 cho thấy nước này nhập khẩu 63 tấn vàng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2025 và giảm 6,1% so với tháng 5.
Ông David Scutt - Chuyên gia phân tích thị trường tại City Index đánh giá: “Giá vàng có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trong tuần này do chưa hội đủ các yếu tố cần thiết để tạo ra một đợt bứt phá mạnh”.
Ông Scutt cũng nhấn mạnh rằng dù các tín hiệu nhìn chung đang tích cực, động lực tăng giá của vàng vẫn chưa thực sự chắc chắn. Trong phiên giao dịch chiều ngày thứ Hai, giá vàng từng vượt ngưỡng 3.400 USD/oz, song áp lực bán ra đã nhanh chóng kéo giá quay trở lại dưới mức kháng cự quan trọng này.