Giá trị của không gian, di sản văn hóa

Mỗi lần tới châu Âu, ngoài việc đến thăm những địa danh nổi tiếng, bạn nên dành thời gian để lang thang tới những khoảng không gian như phố nhỏ, ngõ nhỏ ở Hà Nội, bởi bất kỳ đoạn đường, con hẻm nào cũng đều mang những giá trị khiến bạn phải bất ngờ.

1. Điều khiến tôi thích thú mỗi khi đến Paris là việc đi bộ vòng quanh những con ngõ nhỏ cổ kính, xiêu vẹo nhưng đầy mê hoặc. Một chút cảm giác như hơi thở của những con phố cổ Hà Nội, một chút lãng mạn của không gian cổ tích, một chút dư vị của quá khứ. Mặc dù cố tìm kiếm màu sắc của bóng đá, của Euro 2024 nhưng nó gần như được ém lại đằng sau các giá trị văn hóa mà Rue Mouffetard hay Rue des Rosiers... những con phố nằm lọt thỏm trong khu phố cổ ở quận 6 này đã lưu giữ hàng trăm năm qua.

Quán nhỏ nơi ngõ nhỏ ở Paris có từ năm 1686.

Quán nhỏ nơi ngõ nhỏ ở Paris có từ năm 1686.

Tôi đi qua một con ngõ nhỏ, chẳng có tên, cả ngày lẫn đêm luôn đông đúc, chật chội, không bao giờ vãn khách. Con ngõ nhỏ ấy, cùng những quán ăn ấy đã tồn tại từ thế kỷ XVII, được bảo tồn nguyên vẹn và lưu giữ nguyên trạng về kiến trúc, kết cấu. Điều đáng nói là những quán ăn đó từng đón tiếp rất nhiều danh nhân văn hóa. Hàng trăm năm trước, họ từng tới đây chỉ để uống một ly cà phê, ăn một chiếc bánh croissant, gặp gỡ nhau nói vài chuyện bông đùa. Bây giờ, vẫn rất đông người phải xếp hàng để có một chỗ ngồi ở đây. Mức giá cho một bữa ăn đương nhiên cũng không hề rẻ. Tôi ngồi ở đó, chỉ dám ăn uống vừa phải, có chút dè sẻn, một bữa dành cho hai người cũng phải “đầu tư” số tiền tính ra vài triệu đồng Việt Nam.

2. Đó là cái giá của không gian văn hóa, di sản văn hóa. Để tạo ra một khoảng không gian mà mỗi khi bạn ở đó, nó đều mang đến những giá trị về cảm xúc là điều không hề dễ dàng. Nó không chỉ cần thời gian mà cần cả một quá trình xây dựng, tạo ra những bản sắc văn hóa của riêng Paris và nước Pháp. Euro cũng là một thứ giá trị như vậy. Ngay sau khi Đức giành quyền vào tứ kết, xác định đối thủ của mình là Tây Ban Nha, vé xem trận đấu siêu đẳng này được đẩy lên gấp 10-12 lần. Vé rẻ nhất cũng vào cỡ 800 euro, thậm chí có vé VIP lên tới gần 12.000 euro. Dễ hiểu thôi, giá trị của các tên tuổi lớn luôn tạo ra những giá trị gia tăng, nhất là trong những dịp đặc biệt hiếm khi xuất hiện như Euro.

Tôi rạc chân để tìm một quán bar phục vụ ăn uống và muốn xem trận Thổ Nhĩ Kỳ thắng Áo 2-1, nhưng tuyệt nhiên không có. Điều này khác hẳn ở Việt Nam, dù Euro chẳng liên quan tới chúng ta nhưng vào bất cứ quán ăn uống nào, bạn cũng có thể cổ vũ theo cách của riêng mình. Khi tôi hỏi, tại sao Euro 2024 đang diễn ra mà quán không có ti vi để xem? Tất cả chủ quán đều có chung câu trả lời: “Đây là quán phục vụ ăn uống. Chúng tôi chỉ chiếu bóng đá khi đội tuyển Pháp thi đấu. Hẹn gặp anh vào tối 6-7”. Điều đó có nghĩa, kể cả bóng đá đỉnh cao cũng không thể phá hỏng những không gian văn hóa ở Paris.

3. Đi lòng vòng mãi, tôi cũng tìm thấy và hòa mình vào một nhóm cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ đang cổ vũ đội nhà thi đấu với Áo. Khi Thổ Nhỹ Kỳ dẫn bàn thứ hai, dăm cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ gần như không còn đồ cổ vũ nào trên người. Có cổ động viên phấn khích ném cả điện thoại, đồng hồ lên không trung...

Đấy, Euro cứ đắt đỏ, cứ cuốn hút, cứ say mê và cứ điên cuồng. Nhưng ở những góc nhỏ của Paris, bóng đá chưa đủ sức che mờ giá trị những nét văn hóa trên những con phố nhỏ hàng trăm năm tuổi. Bởi ở đó, giá trị của không gian này là lịch sử, là vẻ đẹp nên thơ, cổ kính. Những giá trị này chỉ chấp nhận tạm ẩn mình khi Mbappe và đồng đội ra sân.

Bài và ảnh: LÊ THÀNH TRUNG (từ Paris, Pháp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/gia-tri-cua-khong-gian-di-san-van-hoa-783904
Zalo