Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Sử dụng các kênh tiêu thụ mới, hiện đại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo đã trở thành xu thế kinh doanh tất yếu, hướng đến kinh doanh hiện đại và bền vững.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm. Ảnh: Lan Hương

Các diễn giả tham gia Tọa đàm. Ảnh: Lan Hương

Tại Tọa đàm với chủ đề "Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 29/11, các diễn giả cho biết, thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo. Việc hỗ trợ tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại đã góp phần hình thành thị trường cho các sản phẩm thương mại này.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn. Trong đó, phải kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh, thành. Cùng với đó là Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Lan Hương

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Lan Hương

Các chương trình như “Tuần lễ giới thiệu nông sản địa phương” tại các siêu thị lớn hay các sự kiện khuyến mại, giảm giá đã giúp quảng bá rộng rãi các đặc sản vùng miền, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, việc xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP đã giúp các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ vùng miền có kênh phân phối ổn định và dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường trong nước.

Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách vẫn gặp không ít khó khăn. Vấn đề chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản hàng đầu. Chi phí logistics cao và hạn chế hạ tầng giao thông cũng là những khó khăn nghiêm trọng. Hay hạn chế về năng lực tiếp cận thị trường, một số chương trình hỗ trợ chưa đồng bộ và hiệu quả, vẫn mang tính hình thức, chậm trễ, thường mang tính thời vụ, thiếu bền vững...

Để vượt qua những khó khăn, theo ông Tuấn cần tiếp tục nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho người dân. Đồng thời, Chính phủ cần cải thiện hạ tầng giao thông và logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng kinh doanh, kỹ năng tiếp thị marketing và ứng dụng số cho người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương.

"Đây sẽ là những giải pháp cần thiết để tận dụng tối đa các thuận lợi, khắc phục khó khăn và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại" - vị này nói.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-tang-kenh-tieu-thu-san-pham-mien-nui-vung-sau-vung-xa-va-hai-dao.html
Zalo