Gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè
Thời điểm mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền bệnh.Tại Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng, sởi, COVID-19, Adenovirus… Đặc biệt, sốt xuất huyết là vấn đề lo ngại không chỉ ở phía Nam mà còn ở miền Bắc khi chuẩn bị bước vào mùa mưa.
Trẻ nhập viện vì tay chân miệng, sởi, Adenovirus
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 2.987 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (1.595 trường hợp). Bệnh nhân mắc tay chân miệng được phát hiện tại 30 quận, huyện, thị xã, chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ hơn 3 tuổi (chiếm 95%), không ghi nhận một ổ dịch phức tạp.
Mặc dù đã vào hè, nhưng trong tuần qua (từ 20-27/6), Thủ đô ghi nhận 77 trường hợp mắc tay chân miệng. Đưa con trai 3 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám, chị Phạm Phương Lan (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Lúc đầu con sốt cao, quấy khóc, sau đó xuất hiện loét miệng, các nốt phỏng ở tay, chân. Lo lắng tôi cho con đi bệnh viện và được chẩn đoán cháu mắc tay chân miệng. Con đi nhà trẻ, việc lây nhiễm dịch bệnh trong mùa hè là khó tránh khỏi. Sau 2 ngày điều trị, các nốt phỏng đã đỡ hơn.

Nhiều trẻ em đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Dù nghỉ hè, song các lớp mầm non vẫn hoạt động, nguy cơ lây nhiễm tay chân miệng ở lớp học là hiện hữu nếu không có biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt, trẻ dễ lây nhiễm virus Adeno do sinh hoạt chung. Adenovirus là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 8-10%. Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì Adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột...
Theo BS Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nơi đây đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhân, trong đó chủ yếu mắc các bệnh như sốt xuất huyết, sởi, COVID -19 và cúm A.
Sau 2 ngày sốt cao liên tục kèm đau mắt, tiêu chảy, chị Nguyễn Thị Phương (Long Biên, Hà Nội) đưa con trai 4 tuổi đi khám, kết quả xét nghiệm cháu dương tính với virus Adeno. Sau đó, virus này lại lây cho đứa con thứ hai của chị Phương. "Do đã có kinh nghiệm nên khi cháu thứ hai có triệu chứng tôi đã nhỏ mắt cho cháu theo chỉ dẫn của bác sĩ, tăng cường bổ sung dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho con nên bệnh của cháu không nặng như cháu đầu", chị Phương chia sẻ.
Theo các bác sĩ, trong số các nhóm virus gây bệnh thì Adenovirus nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Sau khi gây bệnh Adenovirus có thể tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân. Bệnh có thể lây do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị nhiễm virus có trong dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Adenovirus. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, do virus gây ra bệnh sẽ hay gặp ở những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính... Hiện nay, bệnh do virus Adeno gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chính là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, nếu có bội nhiễm thì dùng thuốc kháng sinh.
Mặc dù, thời tiết nắng nóng, song bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc cao tại Hà Nội. Trong tuần qua, cả TP có 88 trường hợp mắc sởi tại 23 quận, huyện thị xã, đây là con số báo cáo từ các bệnh viện cũng như trạm y tế địa phương, trên thực tế số mắc còn cao hơn vì nhiều người mắc bệnh nhưng không đến viện. Không chỉ trẻ em mà ghi nhận người lớn cũng mắc sởi.
Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 3.720 trường hợp mắc sởi, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh nhân chủ yếu ở lứa tuổi dưới 6 tháng chiếm 12,2%; 6-8 tháng chiếm 12,8%; 9-11 tháng tuổi là 7,9% từ 9 - 11 tháng, cao nhất là trẻ từ 1-5 tuổi chiếm tới 20,2%...
COVID-19 cũng là bệnh truyền nhiễm bùng phát từ đầu tháng 5 tới nay và trên cả nước vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19, riêng Hà Nội tuần vừa qua có 135 trường hợp mắc. Trong 6 tháng đầu năm, Thủ đô có 1.220 trường hợp mắc COVID-19 (tăng so với cùng kỳ năm 2024), đây là con số thống kê được, trên thực tế còn cao hơn. Kết quả giám sát chủng virus đang lưu hành phổ biến là chủng NB.1.8.1 chiếm 87,5% (tương đồng với kết quả giám sát tại khu vực miền Bắc và TP Hồ Chí Minh), tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Cảnh báo sốt xuất huyết vào mùa
Theo ông Vũ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), những năm gần đây sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến phức tạp, luôn thuộc nhóm nước có số mắc cao, mỗi năm hơn 100 nghìn ca mắc, phạm vi dịch lan rộng, trải khắp 3 miền, ngay cả những tỉnh trước đây không có ca bệnh thì nay cũng ghi nhận. Miền Nam luôn là tâm dịch của cả nước trong nhiều năm liền, năm 2024 số ca sốt xuất huyết tại miền Nam chiếm 41% cả nước.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết đang tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm số mắc tăng 134% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 1,5%, số bệnh nhân nặng phải nhập viện cũng gia tăng, dịch có xu hướng lan rộng quanh năm. Các tỉnh miền Nam đang bước vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Dự báo, trong thời gian tới, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng. Tại Tây Nguyên và miền Trung, sốt xuất huyết cũng gia tăng hơn hẳn so với trước kia.
Còn tại Hà Nội, theo CDC Thủ đô, hiện nay đang có mưa nhiều, cộng với nắng nóng, làm cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Thành phố tiếp tục ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết và ổ dịch như vừa ghi nhận ổ dịch tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, cộng với ổ dịch đang hoạt động ở huyện Phúc Thọ. Từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết, trong thời gian tới số mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào các tháng bệnh gia tăng hàng năm.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, mọi năm mùa dịch sốt xuất huyết thường vào tháng 10, 11, nhưng năm nay từ tháng 5 đã có bệnh nhân vào nhập viện, trong đó có một số ca nặng, có biến chứng. Không chỉ người già, người suy giảm miễn dịch, béo phì, phụ nữ có thai, trẻ em khi mắc sốt xuất huyết mới dễ biến chứng nặng, mà ngay cả người trẻ nếu chủ quan không thăm khám, gặp biến chứng hạ tiểu cầu, cô đặc máu, thoát huyết tương và sốc sốt xuất huyết thì đều nguy hiểm đến tính mạng.