Gia Lai tăng trưởng ấn tượng nhưng còn nhiều thách thức sau hợp nhất
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Gia Lai (mới) ghi nhận những thành tựu nổi bật cả về tăng trưởng kinh tế lẫn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sự khác biệt về cơ chế quản lý, hạ tầng chưa đồng bộ và thách thức từ quá trình vận hành bộ máy mới đang đặt ra bài toán lớn cho chính quyền mới.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, trong nửa đầu năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng trưởng 7,49%. Đây là con số đáng khích lệ, nhất là khi tỉnh vừa trải qua quá trình hợp nhất hành chính, cần thời gian để ổn định bộ máy và cơ chế quản lý. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng là động lực tăng trưởng chính, đạt 10,48%. Khu vực dịch vụ tăng 7,64%, còn nông – lâm – thủy sản tăng 4,41%.

Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tỉnh Gia Lai
Về ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 13.656 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, phần đóng góp từ địa bàn Bình Định chiếm 10.055 tỷ đồng, trong khi Gia Lai cũ đạt 3.601 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,686 tỷ USD, tăng 21,3%. Riêng Gia Lai cũ, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 48%, chủ yếu nhờ cà phê, tạo động lực lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh…
Tín hiệu tốt cho Gia Lai mới còn đến từ nhiều dự án quy mô lớn như cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, cảng biển Phù Mỹ, và đường cất hạ cánh số 2 sân bay Phù Cát. Những công trình này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao năng lực giao thông, logistics, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, tỉnh sau sáp nhập cũng gặp nhiều thách thức, hạn chế. Nổi cộm trong đó là hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục vẫn chưa đồng bộ. Sự khác biệt về cơ chế quản lý giữa hai địa phương cũ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của Gia Lai (mới).
Để khắc phục những bất cập này, tỉnh Gia Lai đã ban hành bộ quy tắc vận hành mới, lấy phương châm “Rõ người – Rõ việc – Rõ sản phẩm – Rõ tiến độ – Rõ trách nhiệm – Rõ thẩm quyền” làm kim chỉ nam. Theo đó, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao cụ thể đến từng xã, phường, đặc biệt ưu tiên các vùng khó khăn.
“Cần chuẩn hóa hệ thống dữ liệu, nhất là số liệu của hai tỉnh trước đây để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chương trình kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội cho đúng. Cả hệ thống chính trị nỗ lực quyết tâm năm nay sẽ đạt tăng trưởng 8%. Cần rà soát tất cả khó khăn vướng mắc, những dư địa để khơi thông. Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy cách vận hành bộ máy từ tư duy quản lý sang chính quyền kiến tạo, phục vụ cho dân, tất cả những việc của dân và doanh nghiệp là phải giải quyết ngay từ cơ sở. Lấy hiệu quả công việc và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo cho sự thành công của chính mình”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tặng hoa và giao chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 cho lãnh đạo các xã phường
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã đưa ra những giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực quản lý và điều hành. Trọng tâm trong đó là đẩy mạnh số hóa và điện tử hóa hệ thống quản lý. Các nội dung quản lý và chỉ tiêu kinh tế - xã hội được số hóa sẽ giúp các xã, phường dễ dàng tra cứu và triển khai công việc cụ thể.
Theo ông Phạm Anh Tuấn nếu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt giải pháp này, sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giảm thiểu tình trạng chồng chéo, lãng phí tài nguyên, thúc đẩy sự phát triền của tỉnh.
“Các sở ngành tập trung ổn định phân công nhiệm vụ và phân giao chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực cho từng địa phương. Đặc biệt giám đốc, phó giám đốc các sở ngành phải chịu trách nhiệm kết quả cuối cùng của ngành mình theo chỉ tiêu đã được phân giao, rà soát lại văn bản hướng dẫn chức năng nhiệm vụ để đào tạo và hướng dẫn địa phương cách thức triển khai thực hiện gồm: giải quyết việc cho nhân dân, và phát triển kinh tế xã hội. Các nội dung này phải được điện tử hóa, được số hóa để các xã phường căn cứ vào từng ngành một, nhìn vào đó để biết cách giải quyết công việc”, ông Phạm Anh Tuấn, chỉ đạo.