Gia Lai: Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo từ sắc màu văn hóa
Thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã khéo léo kết hợp giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Chương trình Sắc màu văn hóa Gia Lai
Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều chương trình thực tế, đưa không gian văn hóa từ làng ra phố như: Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển; Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm; Ngày hội văn hóa các DTTS, Liên hoan cồng chiêng; Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai; Tuần lễ văn hóa - Du lịch... Theo đó, các chương trình với nội dung thiết kế phong phú, đặc sắc, ý thức trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa đã được nâng lên.
Điển hình là chương trình Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai). Chương trình nhằm tạo không gian để người dân tham quan, tìm hiểu đặc trưng văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp cộng đồng các dân tộc trong tỉnh quảng bá, giới thiệu văn hóa đến người dân và du khách, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Mỗi đoàn nghệ nhân đã mang đến một bức tranh sinh động về văn hóa dân tộc mình, từ không gian sinh hoạt hàng ngày như đan lát, dệt vải, tạc tượng, giã gạo, hát kể sử thi, biểu diễn dân ca, dân vũ, đến không gian lễ hội sôi động với các trò chơi dân gian truyền thống như đi cà kheo, bắn nỏ, kéo co. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản, đậm đà hương vị của từng dân tộc.
Nổi bật như Đoàn nghệ nhân Ba Na đến từ làng Kon Măh đã để lại ấn tượng sâu sắc với màn trình diễn cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và những điệu múa truyền thống. Khán giả như được hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của người Ba Na qua các hoạt động đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm và thưởng thức những món ăn đặc trưng.
Anh Khoa (thành viên Đoàn nghệ nhân Ba Na làng Kon Măh) cho hay: "Để chuẩn bị cho mỗi chương trình, bà con ai cũng háo hức, gác lại công việc nương rẫy để cùng nhau luyện tập. Mỗi người đều muốn đóng góp hết mình, mang đến những tiết mục đặc sắc nhất. Niềm vui nhân đôi khi thấy khán giả nhiệt tình hòa mình vào điệu xoang, hào hứng tham gia các trò chơi dân gian mà chúng tôi mang đến"'.
Ngoài những nghệ nhân lớn tuổi, đội hình của đoàn còn có sự góp mặt của nghệ sĩ "nhí" đã trở thành tâm điểm của buổi trình diễn, khiến khán giả vô cùng thích thú. Đây chính là những người sẽ kế thừa tình yêu văn hóa dân tộc, giúp nó còn mãi với thời gian.
Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, thông tin: "Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển là mô hình đưa không gian làng về phố nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS Gia Lai, tạo nên không gian để người dân và du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Từ thành công bước đầu, Sở sẽ tiếp tục tổ chức nhiều mô hình mới, đa dạng hoạt động hơn, có sự tham gia của đông đảo bà con các DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến, mỗi tuần, chương trình sẽ mời một đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn sắc màu văn hóa của dân tộc mình. Cụ thể, các nghệ nhân có thể tái hiện không gian sinh hoạt hàng ngày như: Đan lát, dệt vải, tạc tượng, giã gạo, hát kể sử thi, biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc…"
Đưa nghề truyền thống vươn xa
Ngoài những chương trình trên, mới đây trong khuôn khổ Tuần lễ Hoa dã quỳ- Núi lủa Chư Đăng Ya 2024, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức cuộc thi "Nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch".
Theo đó, cuộc thi không chỉ là sân chơi cho các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát và tạc tượng trên toàn huyện được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua cuộc thi này, địa phương còn tìm kiếm, tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân. Từ đó, không để cho nghề truyền thống bị mai một. Tại cuộc thi, các nghệ nhân tham gia đan lát và dệt thổ cẩm truyền thống với các mẫu phong phú để tạo ra các sản phẩm quà lưu niệm như: Gùi nhỏ, bình hoa, mẹt, vật dụng trang trí, túi xách, ví, khăn quàng cổ, áo,... Các sản phẩm đạt giải tại Cuộc thi sẽ được ban tổ chức dùng để trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện văn hóa-du lịch trong và ngoài tỉnh.
Giành được giải nhất nội dung dệt thổ cẩm, nghệ nhân Rơ Châm Vơn (làng Pok, xã Ia Khươl) bộc bạch: "Tôi không sao quên được cảm xúc khi giành được giải tại cuộc thi, đó là một ký niệm đẹp. Cuộc thì đã giúp tôi có cơ hội quảng bá cho mọi người biết đến các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đân tộc mình. Tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ lớp trẻ về những hình ảnh, họa tiết độc đáo để có thể làm các sản phẩm sau này của mình mới lạ hơn. Giờ đây, tôi càng có thêm động lực giữ nghề và truyền lại cho con cháu sau này".
Tương tự, ông Rơ Châm Beoh (làng Hreng, xã Hòa Phú) là nghệ nhân đạt giải nhất cuộc thi đan lát truyền thống. Ông Beoh trải lòng: "Cuộc thi vừa qua đã giúp tôi học hỏi thêm những kỹ thuật đan lát mới lạ để nâng cao tay nghề. Ngoài ra, tôi còn có cơ hội giới thiệu những sản phẩm thủ công độc đáo của dân tộc mình đến với nhiều người hơn. Tôi hy vọng rằng, nghề đan lát truyền thống sẽ được nhiều người trẻ quan tâm và gìn giữ".