Giá heo hơi tăng kỷ lục, lợi thế hay thách thức với người chăn nuôi?

Thông thường giá heo hơi thường giảm vào mùa hè nên người chăn nuôi có doanh thu ít nhất. Tuy nhiên, năm nay thị trường thịt heo hơi diễn biến trái quy luật khi giá tăng cao. Nguyên nhân chính được cho là nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi. Điều này vừa là cơ hội cũng là thách thức, người chăn nuôi vẫn lo lắng với bài toán chất lượng và rủi ro tái đàn.

Giá heo hơi chạm mốc 70.000 đồng/kg vào mùa hè này, mức giá cao nhất trong 2 năm qua. Đà tăng của giá heo hơi kéo dài từ đầu tháng 4 và rõ nét nhất là từ tháng 5/2024 đến nay. Với mức hiện nay, giá heo hơi đã tăng 36% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Giá tăng giá cao nhất trong thời điểm tiêu thụ thấp nhất

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam - thừa nhận, giá heo hơi tăng mạnh là do cung không đủ cầu. Thông thường giá heo hơi thường giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh, vì thế đây được xem là giai đoạn tiêu thụ thấp điểm. Tuy nhiên, năm nay thị trường thịt heo hơi diễn biến trái quy luật. Đà tăng giá heo hơi xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi và kiểm soát tốt heo nhập lậu, đồng thời một phần do tâm lý trên thị trường.

Giá heo tăng nhưng người chăn nuôi vẫn lo sợ.

Giá heo tăng nhưng người chăn nuôi vẫn lo sợ.

Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương, khiến nhiều hộ chăn nuôi, trang trại heo giảm số lượng đàn nuôi. Dự báo, trong thời gian tới, giá thịt heo có thể tiếp tục đứng ở mức cao do các hộ chăn nuôi chưa tái đàn nhiều, phía doanh nghiệp cũng khá thận trọng khi tăng tổng đàn heo do lo ngại.

Mặt khác năm 2023 giá heo hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian dài, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng heo nuôi. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm nhiều, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm ngừng không tái đàn do thua lỗ trong năm 2023, tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào để hồi phục chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tính đến hết tháng 4/2024, nước ta chi khoảng 43,4 triệu USD để nhập khẩu 19.400 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thịt lợn giảm 7% về lượng và giảm mạnh 14,6% về giá trị.

Giá bình quân nhập khẩu thịt lợn trong tháng 4/2024 ở mức 2,225 USD/kg, tương đương 55.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi tại miền Bắc tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước, dao động trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg so với tháng trước đó, dao động trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg.

Cẩn trọng khi lựa chọn tái đàn

Ngành chăn nuôi nói chung và lĩnh vực chăn nuôi lợn nói riêng trong gần 2 năm qua đã đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu - có thời điểm giá bán một số sản phẩm chỉ bằng 2/3 giá thành. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đã không cầm cự được; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Hiện nay chưa bao giờ người sản xuất đối mặt với những nghịch lý như: giá cám tăng – giá lợn giảm, giá lợn tăng – không có lợn để bán. Bên cạnh đó, nguy cơ tái đàn trở lại vẫn đang là mối đe dọa rình rập.

Việc giá lợn hơi tăng hiện nay rất dễ dẫn đến tâm lý nhiều người chăn nuôi giữ lại lợn đến tuổi xuất chuồng chờ giá cao hơn gây ra khủng hoảng thiếu để đẩy giá tăng cao hơn. Để tránh mất thế cân bằng trong chăn nuôi, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần thận trọng trong tái đàn và xuất bán lợn bình thường.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, mặc dù chịu nhiều áp lực về giá TĂCN, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường, đồng thời, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Đối với các trại heo đã bị Dịch tả heo Châu Phi, cần lưu ý công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại kỹ lưỡng để tránh những rủi ro về dịch bệnh sẽ tái phát sau khi tái đàn. Người nuôi cần tiến hành quét dọn và thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, chất độn chuồng để tiêu hủy bằng cách đốt. Các loại thức ăn, thực phẩm, thanh chắn gỗ, giàn mát... ở trong trại xảy ra dịch bệnh cũng phải tiêu hủy.

Nên sử dụng quần áo bảo hộ dùng một lần sau đó tiêu hủy để tránh tình trạng lây lan các loại vi khuẩn, mầm bệnh. Các loại phương tiện được dùng để vận chuyển gia súc cần được sát trùng toàn bộ. Từ bề mặt xe, bánh xe, thùng xe, gầm xe… đều phải được vệ sinh bằng xà phòng.

Với những trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở, khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang mô hình chuồng kín nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào trại.

Thanh Ngọc

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gia-heo-hoi-tang-ky-luc-loi-the-hay-thach-thuc-voi-nguoi-chan-nuoi-1100270.html
Zalo