Giá dầu thế giới hạ nhiệt trước các thông tin kinh tế trái chiều

Tính chung cả tuần này, giá dầu Brent biển Bắc và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều ghi nhận mức giảm khoảng 2%.

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Giá dầu thế giới tuần này hạ nhiệt trong bối cảnh các thông tin kinh tế và thuế quan trái chiều của Mỹ cùng với lo ngại về nguồn cung sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga.

Tính chung cả tuần này, giá dầu Brent biển Bắc và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều ghi nhận mức giảm khoảng 2%.

Tại Mỹ, dữ liệu xây dựng nhà ở đơn lập trong tháng 6/2025 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng do lãi suất thế chấp cao và bất ổn kinh tế cản trở hoạt động mua nhà. Điều này cho thấy đầu tư vào lĩnh vực nhà ở tiếp tục sụt giảm trong quý 2 năm 2025.

Tuy nhiên, một báo cáo khác lại cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã cải thiện trong tháng 7/2025, trong khi kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm.

Lạm phát thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, qua đó có thể giảm chi phí vay của người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Trong khi đó, tờ Financial Times đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy kế hoạch áp mức thuế quan tối thiểu từ 15% đến 20% trong bất kỳ thỏa thuận nào với EU.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Citi Research nhận định các mức thuế quan đối ứng được dự tính hiện tại có thể đẩy mức thuế suất của Mỹ lên trên 25%, vượt qua cả những đỉnh của những năm 1930.

Thuế quan sẽ ngày càng thể hiện rõ trong lạm phát. Lạm phát gia tăng có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và kéo theo sụt giảm nhu cầu dầu.

Một thông tin khác cho thấy tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ Chevron đã hoàn tất thương vụ thâu tóm công ty năng lượng Hess trị giá 55 tỷ USD trong ngày 18/7.

Thương vụ này được thực hiện sau khi Chevron thắng trong cuộc chiến pháp lý mang tính bước ngoặt với đối thủ lớn hơn là Exxon Mobil để giành quyền tiếp cận mỏ dầu lớn nhất được phát hiện trong nhiều thập niên ngoài khơi Guyana.

Trong bối cảnh trên, các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới như BP, Shell và ExxonMobil đồng loạt đưa ra cảnh báo về khả năng lợi nhuận quý 2 năm 2025 sẽ giảm mạnh, chủ yếu do giá dầu và khí đốt tự nhiên sụt giảm trên thị trường thế giới.

BP cho biết lợi nhuận từ hoạt động dầu mỏ trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu có thể giảm từ 600-800 triệu USD so với quý trước, trong khi lĩnh vực khí đốt cũng dự kiến giảm từ 100-300 triệu USD. Nhằm củng cố tài chính, BP đặt mục tiêu bán 20 tỷ USD tài sản từ nay đến năm 2027.

Còn Shell cũng thông báo lợi nhuận quý 2 sẽ giảm đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh khí đốt, do sự suy yếu trong hoạt động giao dịch các sản phẩm phái sinh dầu và khí.

Thị trường dầu thế giới đã trải qua một tuần giao dịch bấp bênh do các mối đe dọa địa chính trị và lo ngại về chính sách thương mại của Mỹ có thể làm suy yếu nhu cầu toàn cầu.

Trong ba phiên đầu tuần, giá dầu liên tục chịu áp lực giảm. Cụ thể, giá dầu Brent đã giảm từ mức trên 70 USD/thùng xuống còn 68,52 USD/thùng vào cuối phiên 16/7.

Đà giảm này chủ yếu đến từ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc cho Nga thời hạn 50 ngày để đạt thỏa thuận hòa bình đã tạm thời làm giảm bớt lo ngại về các lệnh trừng phạt ngay lập tức đối với dầu mỏ của Nga.

Đồng thời, các cảnh báo áp thuế quan của Mỹ đối với EU, Mexico và các đối tác khác đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc suy thoái kinh tế, kéo theo nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.

Trong một lưu ý, các nhà phân tích tại ngân hàng ING cho rằng nếu các lệnh trừng phạt đề xuất được thực thi, điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn triển vọng của thị trường dầu mỏ.

 Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit (Iraq). (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit (Iraq). (Ảnh: THX/TTXVN)

ING nhận định Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga. Những nước này sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích từ việc mua dầu thô Nga giá rẻ và những ảnh hưởng phải gánh chịu đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng của nước này tăng 3,4 triệu thùng vào tuần trước, trong khi các nhà phân tích dự báo giảm 1 triệu thùng.

Dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng 4,2 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 200.000 thùng. Dự trữ dầu thô giảm 3,9 triệu thùng xuống 422,2 triệu thùng, trong khi được dự báo giảm 552.000 thùng.

Chủ tịch công ty tư vấn dầu khí Lipow Oil Associates, Andrew Lipow, cho rằng thị trường chịu sức ép khi số liệu cho thấy lượng xăng và sản phẩm chưng cất dự trữ tăng mạnh vì các nhà máy lọc dầu đang hoạt động ở mức gần cao nhất trong năm, với gần 94% tổng công suất.

Tuy nhiên, thị trường đã đảo chiều ngoạn mục trong phiên 17/7, với giá dầu Brent tăng trở lại mốc 69,52 USD/thùng và giá dầu WTI tăng lên 67,54 USD/thùng.

Động lực chính đến từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái liên tiếp vào những mỏ dầu ở khu vực Kurdistan tại Iraq, làm gián đoạn sản lượng khoảng 140.000-150.000 thùng/ngày.

Sự kiện này một lần nữa nhắc nhở thị trường về sự mong manh của nguồn cung dầu mỏ tại khu vực Trung Đông.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần 18/7, giá dầu Brent biển Bắc giảm 24 xu (tương đương 0,3%) xuống 69,28 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 20 xu (0,3%) xuống 67,34 USD/thùng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, rủi ro địa chính trị vẫn là lực đỡ quan trọng cho giá dầu thế giới, nhưng nỗi ám ảnh từ các chính sách thương mại và nguy cơ suy giảm nhu cầu vẫn là một yếu tố kìm hãm đáng kể với giá "vàng đen." ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gia-dau-the-gioi-ha-nhiet-truoc-cac-thong-tin-kinh-te-trai-chieu-post1050492.vnp
Zalo