Giá cát leo thang:Áp lực doanh nghiệp, gánh nặng dân sinh

LTS: Thời gian gần đây, giá cát - vật liệu thiết yếu trong lĩnh vực xây dựng - tăng đột biến, gây xáo trộn lớn cho chuỗi cung ứng, kéo theo hàng loạt hệ lụy cho doanh nghiệp, người dân.

Câu chuyện không dừng ở yếu tố kinh tế, mà còn cho thấy “bức tranh đa tầng” về những bất cập trong quy hoạch, quản lý thị trường... Báo Hànôịmới giới thiệu loạt bài: “Giá cát leo thang: Áp lực doanh nghiệp, gánh nặng dân sinh", phác họa thực trạng giá cát đi kèm những vấn đề cần khắc phục trong quản lý vật liệu xây dựng nói riêng, tài nguyên nói chung...

Bài 1: "Cơn sốt” cát bất thường

Thị trường xây dựng tại Hà Nội những tháng qua chìm trong “cơn sốt" cát chưa từng có, khiến giá vật liệu thông dụng nhưng rất quan trọng này tăng phi mã, kéo theo hàng loạt hệ lụy. Giá cát tăng cao, nguồn cung khan hiếm đe dọa an toàn tài chính, tiến độ thi công dự án; bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp; buộc người dân phải gánh thêm khoản nợ khổng lồ hoặc tạm dừng giấc mơ an cư...

Bãi chứa cát tại xã Phúc Lộc khan hiếm hàng nhiều tháng qua.

Bãi chứa cát tại xã Phúc Lộc khan hiếm hàng nhiều tháng qua.

Giá tăng phi mã

Khảo sát thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội những ngày qua, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy giá cát đen đã tăng từ 200.000-250.000 đồng/m³ lên 400.000-500.000 đồng/m³. Đặc biệt, giá cát vàng - loại vật liệu quan trọng trong kết cấu bê tông - đã vọt lên 900.000-1.000.000 đồng/m³, tăng tới 58% so với năm 2024. Mức tăng này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ và gây sốc cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Không chỉ giá tăng, nguồn cung cát còn rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ bãi vật liệu xây dựng tại bến Vôi, xã Phúc Lộc, chia sẻ: "Lượng cát về bãi giảm tới 90% so với bình thường. Nhiều ngày không có xe nào về, trong khi khách hỏi liên tục...". Đáng nói, các mỏ cát tại Phú Thọ, Lào Cai đều chung tình trạng "trắng hàng", giá nhập tăng thêm 30.000-50.000 đồng/m³, vẫn vô cùng khan hiếm.

Thực tế trên dọc tuyến sông Hồng qua Hà Nội (đoạn qua các xã Hồng Vân, Chương Dương), phóng viên Báo Hànôịmới ghi nhận hàng loạt bãi vật liệu xây dựng từng tấp nập phương tiện chuyên chở ngày nào, giờ đã trở nên hoang vắng. Ông Hà Sỹ Đồng, chủ một bãi vật liệu tại xã Hồng Vân, cho biết: "Trước đây, mỗi ngày, tôi bán ra hàng nghìn mét khối cát, nhưng hai tháng nay không nhập nổi một xe cát nào. Các đầu mối đều nói mỏ tạm dừng khai thác. Tôi làm nghề này gần 30 năm, chưa bao giờ gặp cảnh này".

Tương tự, ông Đinh Văn Cuông, một chủ bãi vật liệu xây dựng khác tại xã Hồng Vân với gần 30 năm kinh nghiệm, khẳng định chưa từng thấy cát khan hiếm kéo dài như vậy. Ông cho biết, giá cát hiện tăng 250-400% so với thời điểm thông thường. Cát vàng từ 400.000 đồng/m³ đã lên hơn 900.000 đồng/m³ và không có hàng, trong khi cát đen cũng tăng lên 400.000-450.000 đồng/m³…

Những con số và chia sẻ trên cho thấy thực trạng đáng báo động về thị trường vật liệu xây dựng, nơi giá cát không ngừng leo thang, nguồn cung ngày càng cạn kiệt, gây ra những hệ lụy trực tiếp và sâu rộng cho ngành Xây dựng nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.

Doanh nghiệp lao đao, dân khó an cư

Giá cát leo thang đẩy doanh nghiệp xây dựng và người dân vào tình thế vô cùng khó khăn. Theo khảo sát nhanh với hơn 50 doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội, có tới 57,2% số ý kiến phản ánh "bị vỡ kế hoạch tài chính" do giá vật liệu tăng cao, đặc biệt là cát. Trong đó, gần 1/3 doanh nghiệp phải tạm ngưng thi công hoặc giãn tiến độ để chờ giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thăng Long Việt Nam (đơn vị xây dựng Khu công nghiệp Thanh Thùy, xã Tam Hưng) Nguyễn Thị Hạnh Hiếu bày tỏ sự lo lắng khi dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng: "Nếu cứ tiếp tục triển khai thì xác định lỗ nặng, mà dừng lại thì không có mặt bằng bàn giao cho đơn vị đã thuê, thật sự rất khó khăn". Tương tự, theo Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và xây dựng Phúc Sơn (Hà Nội) Khuất Dũng, công ty đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều hợp đồng đã ký không có điều khoản trượt giá, giờ giá cát tăng, thi công tiếp sẽ bị lỗ, dừng lại sẽ bị phạt hợp đồng.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao còn tác động lên giá thành sản phẩm bất động sản, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội, vốn đã là thách thức không nhỏ cho người có thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị lớn như Hà Nội. Đại diện Công ty Xây dựng Thanh Hà cho biết, giá cát tăng kéo theo chi phí đầu vào, giá thành xây dựng đội lên, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bất động sản. Do chi phí xây thô tăng ít nhất 20%, nhiều chủ đầu tư dự án phải cân nhắc điều chỉnh giá bán, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân...

Không riêng doanh nghiệp, người dân cũng lâm vào cảnh "trở tay không kịp" vì cát xây dựng. Anh Đỗ Văn Hà (xã Hương Sơn) đang xây nhà, cho biết: "Gia đình tôi dự tính xây nhà khoảng 750 triệu đồng nhưng giờ đã vượt quá 850 triệu đồng. Khoản tiền trội lên này chúng tôi phải vay mượn thêm vì giờ dừng lại cũng không được nữa". Còn theo ông Hoàng Văn Nam ở xã Hát Môn, chỉ riêng cát, đá, gạch cho xây dựng đã tăng hơn 150 triệu đồng so với dự toán ban đầu. "Gia đình tôi tích góp cả đời để xây nhà, giờ phải tạm dừng thi công vì không đủ tiền, dù nhà dở dang, mùa mưa đã tới, vừa mất an toàn, vừa xót của", ông Hoàng Văn Nam nói. Tương tự, ông Đoàn Long An ở phường Sơn Tây cũng phải dừng hẳn công trình đang xây dựng vì giá cát đã vượt quá sức gồng gánh của gia đình.

Đáng nói, thực tế này phổ biến ở nhiều vùng nông thôn ven đô Hà Nội - nơi người dân chủ yếu xây nhà bằng tích lũy tài chính, không có nguồn dự phòng lớn. Giá vật liệu tăng "đội" chi phí dự kiến ban đầu lên tới 20-30%, khiến nhiều gia đình lâm vào thế bị động, buộc phải hoãn giấc mơ an cư hoặc điều chỉnh quy mô công trình...

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gia-cat-leo-thang-ap-luc-doanh-nghiep-ganh-nang-dan-sinh-709776.html
Zalo