Giá cà phê hôm nay 27/11/2024: Nguyên nhân giá cà phê nối dài chuỗi ngày tăng, 'giải mã' hiện tượng khác thường trong vụ thu hoạch của Việt Nam?

Nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới - Việt Nam đang trong chính vụ thu hoạch 2024 - 2025, hoạt động thu hái đang diễn ra sôi động với thời tiết thuận lợi ở khu vực Tây Nguyên, nhưng sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với năm ngoái.

Giá cà phê hôm nay 27/11/2024

Giá cà phê thế giới tăng liên tiếp từ đầu tuần, robusta vượt qua ngưỡng 5.000 USD, tiếp tục tiến sát ngưỡng 5.200 USD. Giá cà phê arabica tại New York chạm mốc 308,85 Cent/lb.

Giá cà phê trong nước cũng tăng không ngừng trong những phiên gần đây, hiện đang giao dịch trong khoảng 121.800 - 122.700 đồng/kg. Mức giá tốt nhất từ trước đến nay cho nông dân trồng cà phê trong đúng vụ thu hoạch.

Các chuyên gia cho biết, có 3 nguyên nhân giá cà phê tăng cao liên tiếp giữa mùa thu hoạch của nguồn cung dồi dào hàng đầu thế giới. Thứ nhất, do những lo ngại về triển vọng vụ mùa tại hai nguồn cung hàng đầu là Brazil và Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đà tăng của thị trường. Tiếp đó là lo ngại chi phí đầu vào tăng và thứ ba là giá cước vận tải đang rất cao trong mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa cuối năm. Ngoài ra, lo ngại về tình hình địa chính trị toàn cầu khiến đầu cơ rút vốn chuyển về các sàn hàng hóa.

Các nhà giao dịch cho biết, nguồn cung đang thắt chặt khi nông dân Brazil hạn chế bán ra với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng, trong khi các vấn đề về vận chuyển và tình trạng thiếu container cũng làm chậm dòng chảy hàng hóa từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Mối lo ngại về vụ thu hoạch năm sau của Brazil có thể thấp hơn dự kiến trước đó cũng góp phần khiến giá tăng trong thời gian gần đây, theo Reuters.

Trong khi đó, về tương lai mùa vụ, dù những cơn mưa gần đây ở Brazil đã giúp hoa nở rộ, nhưng vẫn có lo ngại rằng hoa có thể không bám vào cành, điều này có thể dẫn đến tổn thất sản lượng trong mùa vụ tới. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đã hạ dự báo sản lượng vụ 2024-2025 của Brazil xuống còn 66,4 triệu bao, thấp hơn 3,5 triệu bao so với dự báo trước đó, nhưng vẫn tăng nhẹ so với vụ trước, theo comunicaffe.

Tại nguồn Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 11, Việt Nam chỉ xuất khẩu 20.933 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 121,79 triệu USD, giảm 44,8% về lượng nhưng tăng 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường các năm trước, khối lượng xuất khẩu tháng 11 tăng dần khi nông dân đã bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, số liệu năm nay đã phản ánh hiện tượng khác thường: Giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh.

Lý giải điều này, đại diện Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, nguyên nhân chính là do giá cà phê leo cao, khiến không tìm được điểm cân bằng về giá giữa bên cung và bên cầu. Người mua đợi giá hạ, người bán đợi giá tăng. Hai bên chưa tìm được giá chung để tiến hành thương vụ nên nhiều giao dịch bị chững lại. Thậm chí nhiều chủ thương lái “ém hàng” đợi giá cà phê lên cao hơn mới tung ra thị trường. Khách mua hàng quốc tế thì vẫn còn hàng dự trữ nên chưa vội chốt đơn.

Giá cà phê trong nước ngày 26/11 tiếp tục tăng mạnh 800 - 1.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Kitco)

Giá cà phê trong nước ngày 26/11 tiếp tục tăng mạnh 800 - 1.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Kitco)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 26/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 tăng 65 USD, giao dịch tại 5.175 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 78 USD giao dịch tại 5.114 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 4,05 Cent, giao dịch tại 308,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2025 tăng 4,05 Cent, giao dịch tại 306,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước ngày 26/11 tiếp tục tăng mạnh 800 - 1.000 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg

(Nguồn: giacaphe.com)

Về tình hình triển vọng sản xuất của các nhà cung cấp khác, USDA đã điều chỉnh tăng hơn nửa triệu bao ước tính sản lượng của Colombia trong niên vụ 2023-2024 lên 12,76 triệu bao. Đồng thời tỏ ra lạc quan về niên vụ hiện tại, với dự kiến sản lượng sẽ đạt gần 13 triệu bao.

Tại Ấn Độ, sản lượng được dự báo ổn định, với ước tính vụ 2023-2024 đạt hơn 6 triệu bao và tăng nhẹ lên 6,2 triệu bao trong năm nay.

Còn tại Indonesia, USDA hạ ước tính sản lượng niên vụ 2023-2024 xuống còn 7,65 triệu bao, nhưng dự kiến sẽ phục hồi và tăng lên mức 10 triệu bao trong niên vụ 2024-2025.

Trong một diễn biến mới nhất, quá trình hoãn thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) vẫn gặp nhiều trở ngại. Hội đồng và Nghị viện EU đã không đạt được thỏa thuận vào thứ năm tuần trước (21/11). Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 3/12. Nếu đạt thỏa thuận, việc hoãn thực thi quy định này có thể được thông qua ngay thời điểm dự kiến bắt đầu áp dụng ban đầu là ngày 30/12. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, hạn chót để thực thi luật sẽ trở lại mốc ban đầu là ngày 31/12/2024.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-27112024-nguyen-nhan-gia-ca-phe-noi-dai-chuoi-ngay-tang-giai-ma-hien-tuong-khac-thuong-trong-vu-thu-hoach-cua-viet-nam-295243.html
Zalo