GenZ chán đăng ảnh yêu đương lên mạng xã hội
Nhiều người trẻ thuộc GenZ không còn mặn mà đăng tải chuyện tình cảm lên mạng xã hội. Họ chọn cách yêu đương riêng tư như một cách giảm áp lực 'phải hoàn hảo'.

Ngày càng nhiều người trẻ giữ kín chuyện tình cảm. Ảnh: CNN.
Lượn một vòng quanh trang cá nhân Instagram của Val, mọi người có thể xem những bức ảnh về chuyến cắm trại với bạn bè, một mẻ gà viên tự làm và vài meme hài hước. Tuy nhiên, có một điều không thể tìm thấy trên mạng xã hội của Val: Cô gái 22 tuổi này đã đính hôn với bạn trai 9 tháng trước sau 2 năm hẹn hò. Cô chưa bao giờ đăng bài về lời cầu hôn, và cũng không có ý định làm vậy.
“Chúng tôi hạnh phúc và mãn nguyện với hiện tại, cuộc sống riêng tư mà không bị ai nhòm ngó”, Val - đang sống cùng hôn phu ở Texas - chia sẻ.
Val là một trong số ngày càng nhiều cá nhân thuộc GenZ chọn theo đuổi “mối quan hệ thầm lặng”, trong đó đời sống tình cảm được giữ kín và không tiết lộ cho mạng lưới bạn bè, gia đình rộng rãi trên mạng xã hội. Trên các nền tảng như TikTok, nhiều người sáng tạo nội dung liên quan tới mối quan hệ “riêng tư” thu hút hàng nghìn lượt xem.
Theo CNN, với một thế hệ lớn lên cùng mạng xã hội, việc khước từ áp lực phải đăng tải tình yêu lên Internet là một bước tiến mới, có thể tái định nghĩa cách con người kết nối và gần gũi với nhau trong tương lai.
Mạng xã hội “giết chết” sự lãng mạn?
Rae Weiss, chuyên gia tư vấn hẹn hò cho GenZ đang theo học thạc sĩ tâm lý học tại Đại học Colombia, nhận định việc GenZ kín đáo chuyện yêu đương một phần vì sự khó chịu trước cách mạng xã hội định hình - và bóp méo - sự lãng mạn. Nhiều cặp đôi dường như rất thích khoe khoang những kỳ nghỉ xa hoa, những buổi hẹn hò hoàn hảo, hoặc cử chỉ thân mật. Tuy nhiên, GenZ hiểu rõ đôi khi, mọi thứ chỉ là “dàn dựng”.
“Trên mạng xã hội, mọi người chỉ đăng những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời, những góc chụp đẹp nhất, những bức ảnh đẹp nhất. Giới trẻ hiểu rằng điều này tạo ra cảm giác bất an nhất định khi mối quan hệ không phải lúc nào cũng suôn sẻ và êm đềm như vậy”, bà Weiss nói.
Quả thật, mọi mối quan hệ đều có những khoảnh khắc rốn ren, phức tạp và đôi khi rất tầm thường. Song điều này lại không được thuật toán mạng xã hội ưu ái. Chuyên gia Weiss nhận định chính xu hướng này khiến một số người bắt đầu đánh đồng giá trị mối quan hệ của mình với độ “lung linh trên mạng”.

Chuyên gia nhận định việc không còn áp lực chạy đua đăng bài theo người khác giúp giảm bớt cảm giác ganh tị hay kỳ vọng sai lệch. Ảnh: Reuters.
Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra việc thường xuyên phô bày chuyện tình cảm lên mạng xã hội có liên quan đến mức độ hài lòng thấp hơn và kiểu gắn bó lo âu trong các mối quan hệ.
Chính vì thế, việc Gen Z chọn giữ chuyện tình cảm cho riêng mình phần nào là cách họ phản ứng lại áp lực phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi, cùng với nỗ lực tìm hiểu giá trị của những tình cảm đích thực.
Tiến sĩ Pamela Rutledge - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông - nhận định việc không còn áp lực chạy đua theo người khác giúp giảm bớt cảm giác ganh tị hay kỳ vọng sai lệch, so sánh chuyện tình cảm của bản thân với những gì người khác phô bày công khai.
Val từng cảm thấy áp lực phải thể hiện đời sống tình cảm trên mạng xã hội.
“Song tôi cảm giác mình đang cố chứng minh điều gì đó, chứng minh chúng tôi yêu nhau, trong khi tình yêu của chúng tôi ở khắp mọi nơi: Mèo, ngôi nhà và mọi thứ chúng tôi cùng nhau xây dựng. Anh ấy không cần tôi đăng bài để chứng minh tôi yêu anh ấy”, Val nói.
"Ngôn ngữ" tình yêu kiểu mới
Jason - 21 tuổi - hẹn hò được gần 1 năm nhưng không đăng bất cứ bức ảnh nào lên mạng xã hội. Anh thừa nhận mình không muốn mối quan hệ bị soi mói như cách bạn bè anh thường làm với các cặp đôi khác. “Tôi không thích bị chú ý và bàn tán”, sinh viên Đại học British Columbia chia sẻ.
Lo âu xã hội không phải điều gì mới mẻ, nhưng với một thế hệ lớn lên cùng Internet, một dạng lo âu mới đã trở thành căn bệnh phổ biến trong cách chúng ta kết nối với nhau, Brooke Duffy - Phó Giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học Cornell - nhận định.
Bà gọi hiện tượng này là “giám sát tưởng tượng” (imagined surveillance), cảm giác từng hành động của mình đang bị ai đó theo dõi và đánh giá, dù không biết chính xác là ai. Theo bà Duffy, đây là hệ quả từ việc mạng xã hội bình thường hóa hành vi tò mò soi mói người khác. “Công khai mối quan hệ cho phép công chúng xem xét kỹ lưỡng hình ảnh và phân tích thông tin”, bà nói.

Chuyên gia nhận định xu hướng “mối quan hệ thầm lặng” là bước tiến rất tích cực trong cách giới trẻ xây dựng đời sống cá nhân. Ảnh: Reuters.
Nỗi sợ không chỉ nằm ở việc người khác nhìn vào mối quan hệ, mà là ở cách họ chăm chăm dòm ngó, đào bới từng chi tiết và phán xét bạn và người yêu. “Tất cả điều này, dù là thật hay tưởng tượng, có thể làm bạn dối trí khi tự đánh giá đối tượng đang hẹn hò, nhất trong giai đoạn đầu của mối quan hệ”, Jillian St. Onge - 26 tuổi - nói.
“Tôi ngừng chia sẻ mối quan hệ trên mạng xã hội suốt thời gian dài, thậm chí nói dối cả gia đình”, cô cho biết. “Chuyện chia tay đã đủ đau khổ rồi, nếu ai cũng biết quá sớm thì mình lại phải đi giải thích - thậm chí với cả người xa lạ - chuyện gì đã xảy ra. Việc chủ động giữ kín giúp tôi tự suy ngẫm và tập trung xây dựng mối quan hệ sâu sắc. Thời kỳ đăng tải những lời chỉ trích mơ hồ, tiêu cực về người yêu trong lúc cãi vã đã qua rồi”.
GenZ đã tìm ra những cách mới lạ nhằm thỏa mãn mong muốn "cho cả thế giới biết mình đang yêu". Ví dụ, “khởi động nhẹ nhàng” chia sẻ mình đang trong mối quan hệ nhưng không tiết lộ danh tính của người yêu, bà Duffy nói, như đăng ảnh hai đôi giày cạnh nhau hay bóng của hai người trên tường.
St. Onge đã chọn cách này sau khoảng 5 tháng hẹn hò với vị hôn phu hiện tại. Còn Jason phân biệt giữa đăng trên tường - nơi ảnh hiện lên cho tới khi bị xóa - và “story” biến mất sau 24 giờ. “Story ghi lại khoảnh khắc thoáng qua”, bà Duffy giải thích.
Với bà Rutledge, xu hướng “mối quan hệ thầm lặng” là bước tiến rất tích cực trong cách giới trẻ xây dựng đời sống cá nhân.
“Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người trẻ chọn tạm ‘cai mạng’, sống cho khoảnh khắc hiện tại”, vị tiến sĩ chia sẻ. “Bất kỳ thứ gì khuyến khích người dùng sử dụng mạng xã hội một cách chủ động, thay vì bị động, đều là tín hiệu đáng mừng”.