Gazprom: Công suất của đường ống dẫn khí tới Trung Quốc đạt mức tối đa
Gazprom mới đây cho biết dòng khí đốt tự nhiên của gã khổng lồ này qua đường ống Sức mạnh Siberia tới Trung Quốc đã đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm.
Gazprom bắt đầu vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia vào cuối năm 2019 và lưu lượng hiện đã đạt công suất thiết kế tối đa. Giám đốc điều hành Gazprom, Alexei Miller, cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn Nga Interfax đăng: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu khí đốt của Nga trên thị trường Trung Quốc đang phát triển và vai trò quan trọng của khí đốt Nga trong việc cung cấp năng lượng ổn định cho nền kinh tế Trung Quốc".
"Các hợp đồng dài hạn giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng hợp tác chiến lược cùng có lợi trong lĩnh vực khí đốt sẽ tiếp tục phát triển năng động vì lợi ích của Nga và Trung Quốc”, ông Miller nói.
Với việc hầu hết thị trường Châu Âu hiện đã đóng cửa đối với Gazprom, theo sự lựa chọn của riêng mình, gã khổng lồ khí đốt Nga hiện đang đặt cược lớn vào Trung Quốc và nhu cầu khí đốt tự nhiên đang tăng cao của nước này để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán hàng trước đây sang Châu Âu. Khoản đầu tư của Gazprom hiện hướng tới phát triển các mỏ khí đốt và cơ sở chế biến ở miền đông nước Nga và bán đảo Yamal, vì công ty Nga đang chuyển sang cung cấp nhiều khí đốt cho Trung Quốc hơn là sang Châu Âu, vốn là thị trường xuất khẩu chính của Gazprom cho đến khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine và Gazprom cắt nguồn cung sang nhiều nước Châu Âu.
Doanh số bán khí đốt của Nga tại Trung Quốc đã tăng lên khi Gazprom tăng cường công suất thông qua đường ống Sức mạnh Siberia.
Chỉ vài tháng trước, Nga và Trung Quốc đã tiến gần đến việc ký kết một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới mang tên "Sức mạnh Siberia 2", kết nối hai nước qua lãnh thổ Mông Cổ. Đường ống này dự kiến vận chuyển tới 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ phía Tây Siberia đến Trung Quốc, mang lại nguồn thu rất cần thiết cho Nga.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy dự án này có thể không diễn ra như kế hoạch. Một quyết định mới đây của chính phủ Mông Cổ không đưa khoản tài trợ cho việc xây dựng đường ống vào kế hoạch kinh tế 5 năm của nước này đã dấy lên những nghi ngờ rằng Trung Quốc đang xem xét lại cam kết với "Sức mạnh Siberia 2".
Nga dường như đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Trung Quốc tiếp nhận thêm khí đốt qua đường ống trong bối cảnh bất đồng về mức giá mà Trung Quốc sẽ phải trả. Bắc Kinh vẫn chưa cam kết thực hiện dự án đường ống mới quy mô lớn để nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga trừ khi điều đó có lợi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.