Gắn kết nông dân với doanh nghiệp để trồng 'cây tiền tỷ' phát triển bền vững

Sầu riêng (hay còn được nông dân nhiều nơi gọi là cây tiền tỷ) đang là một trong những loại cây ăn trái cho thu nhập cao nhất hiện nay, hàng tỷ đồng/ha. Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng đã bùng nổ ở nhiều nơi. Để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững phải tổ chức lại cấu trúc, gắn kết được giữa nông dân với doanh nghiệp.

Giá thấp vẫn “hốt bạc”

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, sầu riêng đang là một trong những loại cây ăn trái cho thu nhập cao nhất hiện nay. Bình quân sầu riêng đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha, chỉ cần giá bán như hiện nay 50.000 - 56.000 đồng/kg (giống Ri6) thì nông dân có thu nhập 1 tỷ đồng/ha trở lên. Còn với những hộ xử lý cho trái thu hoạch sớm đầu vụ giá tới 130.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 2,6 tỷ đồng/ha.

Nông dân tỉnh Hậu Giang vui mừng bên vườn sầu riêng cho lợi nhuận cao hơn lúa và các cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Thọ, nông dân trồng sầu riêng ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết, gia đình ông vừa bán 8 tấn sầu riêng giống Ri6 cho thương lái từ Tiền Giang sang mua phục vụ xuất khẩu với giá 56.000 đồng/kg, giá này tuy có thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đầu vụ vào tháng 3/2024 là 130.000 đồng/kg, nhưng vẫn có lợi nhuận cao, bởi chi phí đầu tư trồng sầu riêng chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Với vườn sầu riêng rộng 5 công đang cho trái, ông Nguyễn Văn Tài, ngụ cùng xã với ông Thọ tiết lộ, hơn 8 tấn sầu riêng giống Ri6 của gia đình vừa bán cho thương lái với giá 50.000 - 56.000 đồng/kg, tính ra cũng có thu nhập hơn 400 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại cây con khác.

“Do hiện nay nhiều nơi đang thu hoạch rộ mùa sầu riêng, cộng với các nước như Malaysia, Thái Lan… cũng vào vụ, vì vậy giá sầu riêng nội địa giảm là chuyện hiển nhiên”, ông Tài cho hay.

Còn ông Trần Việt Mỹ, ngụ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, trước đây gia đình chuyên trồng cam nhưng nguồn thu không bao nhiêu bởi thường hay rớt giá. Sau khi đi học kinh nghiệm trồng sầu riêng ở một số nơi và được trạm khuyến nông huyện hỗ trợ kỹ thuật, mấy năm nay ông chuyển 7 công cam sang sầu riêng Ri6, ứng dụng hệ thống phun thuốc tự động và tưới nước tiết kiệm nên mùa khô hạn vườn cây vẫn phát triển tốt.

“Hiện vườn sầu riêng gia đình tôi cho trái khoảng 10 tấn, bán giá 55.000 đồng/kg, thu nhập được 550 triệu đồng”, ông Mỹ tiết lộ.

Công nhân đóng gói sầu sầu riêng phục vụ xuất khẩu ở Tiền Giang.

Công nhân đóng gói sầu sầu riêng phục vụ xuất khẩu ở Tiền Giang.

Chính từ nguồn thu cao ngất ngưỡng nên vài năm nay tình trạng mở rộng diện tích sầu riêng đã bùng nổ ở nhiều nơi; trong đó có cả những khu vực ngoài quy hoạch, không thuận lợi về đê bao, thủy lợi, giao thông, điều kiện thổ nhưỡng, nhưng nông dân vẫn ào ạt trồng sầu riêng bất chấp khuyến cáo và lo lắng của ngành chức năng về nguy cơ thừa sản lượng, rớt giá... Điển hình, dọc theo các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang là những nơi mà gần đây nông dân phá bỏ cây mía, cây cam sành, ruộng lúa để trồng cây sầu riêng.

Bảo vệ “cây tiền tỷ”

Theo ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đề án phát triển cây ăn trái chủ lực của cả nước đến năm 2030 thì diện tích sầu riêng từ 65.000 - 75.000 ha, tuy nhiên chỉ mới năm 2023 cả nước đã có 151.000 ha sầu riêng, vượt rất xa so với quy hoạch và hiện nay phong trào trồng “cây tiền tỷ” này vẫn chưa dừng lại.

Dù cây sầu riêng đang “hót”, nhưng những hạn chế, bất cập và thiếu bền vững đã bộc lộ. Tình trạng mạnh ai nấy làm, tranh mua tranh bán sầu riêng xảy ra nhiều nơi. Diện tích sầu riêng có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ còn rất ít. Một số nơi còn xảy ra vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… Chính vì vậy, các địa phương cần tổ chức lại ngành hàng sầu riêng một cách bài bản, căn cơ hơn.

Đại diện ngành nông nghiệp Hậu Giang cho biết, cây sầu riêng chỉ mới phát triển gần đây, nhưng đến nay đạt khoảng 2.550 ha, trong đó hơn 1.000 ha đang cho trái. Ngành nông nghiệp địa phương đề nghị bà con không nên trồng đại trà, nhỏ lẻ, tự phát, mà cần quy tụ vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết đầu ra với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trồng mới sầu riêng trên đất lúa.

Tiền Giang với 22.000 ha sầu riêng đang giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, sẽ không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, mà tập trung vào chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con giảm chi phí, nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu… Ngoài thị trường lớn Trung Quốc thì xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Ông Huỳnh Quang Đức -Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thông tin, tỉnh đang xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị, trong đó có cây sầu riêng. Quan điểm của tỉnh về phát triển sầu riêng là chú trọng nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị…

Tại Cần Thơ, ngành chức năng cũng tổ chức lại ngành hàng sầu riêng theo hướng phát triển hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp. ÔngTrần Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã trái cây Trường Khương Ah, huyện Phong Điền khẳng định, hợp tác xã đang liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào giá ưu đãi và doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo đầu ra khi tới vụ thu hoạch.

“Từ sự liên kết này mà các xã viên sản xuất đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu đưa ra. Tuyệt đối không sử dụng các chất cấm, không thu hoạch sầu riêng non. Khi sầu riêng khoảng 90 ngày, trái đủ độ già tự nhiên trên cây mới cắt nhằm đảm bảo độ béo, độ ngọt... Nhờ đó, sầu riêng của hợp tác xã rất dễ bán và không hề bị cảnh báo từ các nhà nhập khẩu”, ông Chiến cho biết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp được thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Vì vậy, để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững thì phải tổ chức lại cấu trúc, trong đó phải gắn kết được giữa nông dân với doanh nghiệp.

Theo bộ trưởng, việc tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật canh tác, mà còn tạo ra không gian để nông dân và doanh nghiệp ngồi lại với nhau, hiểu nhau, đồng hành cùng nhau. Đối với quản lý nhà nước về ngành hàng sầu riêng cần phải siết chặt hơn nữa ở các địa phương. Nông dân và hợp tác xã cùng nhau canh tác chất lượng, sản phẩm đảm bảo an toàn. Cộng đồng doanh nghiệp khi kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận, mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp nước nhà.

“Vì thế nên chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán, sang hợp tác và trách nhiệm. Điều này cần phải thay đổi cách suy nghĩ "nông dân tư duy mùa vụ - còn doanh nghiệp tư duy thương vụ”, như vậy mới phát triển lâu dài được”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thái Cường

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/gan-ket-nong-dan-voi-doanh-nghiep-de-trong-cay-tien-ty-phat-trien-ben-vung/20240613013104219
Zalo