Fed bắt đầu thấy rõ nỗi lo lạm phát qua số liệu CPI

Giá hàng hóa tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 6 đã đẩy lạm phát lên cao hơn, điều mà các chuyên gia kinh tế coi là dấu hiệu cho thấy tác động của các mức thuế nhập khẩu ngày càng tăng của chính quyền Trump đang bắt đầu chuyển sang người tiêu dùng.

Theo số liệu vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 6, sau khi tăng 0,1% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 3,5%,

Các chuyên gia và cả các quan chức Fed đều dự báo lạm phát sẽ tăng tốc trong mùa hè này khi tác động có độ trễ của thuế quan được doanh nghiệp chuyển tiếp vào giá bán, và dữ liệu tháng 6 cho thấy Fed có thể sẽ tiếp tục thận trọng, chưa vội cắt giảm lãi suất cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng.

Cú sốc giá từ thuế quan có thể chỉ là điều chỉnh một lần và mang tính tạm thời. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump vẫn đang xem xét các mức thuế cuối cùng và dọa áp mức cao hơn từ ngày 1/8 khiến triển vọng lạm phát vẫn đầy bất định.

“Báo cáo hôm nay cho thấy thuế quan đang bắt đầu phát huy tác động. Giá quần áo tăng, giá đồ nội thất tăng vọt và giá hàng hóa giải trí cũng tăng”, chuyên gia Omair Sharif thuộc Inflation ÍInights lưu ý.

Đây đều là các mặt hàng có tỷ lệ nhập khẩu cao, và mức tăng khá đáng kể. Giá thiết bị nghe nhìn tăng 1,1% trong tháng và tăng tới 11,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất từ trước đến nay đối với một nhóm hàng vốn có xu hướng giá ổn định hoặc giảm nhờ toàn cầu hóa. Đây có thể là lời cảnh báo cho Fed, vốn liên tục hứng chỉ trích từ Tổng thống Trump vì chưa chịu cắt giảm lãi suất.

Trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức lợi suất cao nhất trong gần một tháng, trong khi hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy xác suất Fed cắt giảm vào tháng 9 đang giảm, với mô hình của CME Group cho thấy đây không còn là kịch bản cơ sở như trước.

Trong bài phát biểu tại Washington hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, Susan Collins cảnh báo rằng bà vẫn kỳ vọng các mức thuế nhập khẩu tăng sẽ đẩy lạm phát cao hơn, đồng thời làm giảm tăng trưởng và việc làm. Tuy nhiên, bà cho biết cán cân tài chính mạnh của hộ gia đình và doanh nghiệp có thể giúp hấp thụ phần nào tác động này.

“Tác động từ thuế quan có thể được giảm nhẹ nhờ khả năng doanh nghiệp chấp nhận giảm biên lợi nhuận và người tiêu dùng vẫn duy trì chi tiêu bất chấp giá cả tăng. Vì vậy, tác động tiêu cực của thuế quan lên thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế có thể bị hạn chế”, bà Collins nói.

Trên mạng xã hội, ông Trump tuyên bố giá tiêu dùng vẫn “thấp” và lặp lại yêu cầu Fed cắt giảm lãi suất. Tính từ tháng 12 năm ngoái, thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ hai, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 1,2%.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng việc lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng ít hơn dự báo “chứng minh rằng Tổng thống Trump đang ổn định lạm phát”.

Lạm phát lõi tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 6, thấp hơn mức dự báo 3%, nhưng vẫn cao hơn mức 2,8% của tháng 5. Giá thực phẩm và năng lượng đều tăng, khiến lạm phát toàn phần tăng từ 2,4% lên 2,7%.

“Với mức tăng ở các hạng mục như đồ nội thất, giải trí và quần áo, thuế nhập khẩu đang dần thẩm thấu”, chuyên gia chiến lược toàn cầu Seema Shah của Principal Asset Management viết trong một bản tin và thêm rằng: “Fed nên kiên nhẫn đứng ngoài cuộc thêm vài tháng nữa”.

Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9, đưa lãi suất về vùng 4,0-4,25%, nhưng khả năng cắt giảm tại cuộc họp ngày 29-30/7 hiện đã xuống dưới 5%.

Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell từng chỉ ra rằng mùa hè này là thời điểm then chốt để đánh giá lạm phát có phản ứng với các mức thuế áp lên đối tác thương mại và ngành công nghiệp hay không.

Cho đến nay, tác động của thuế lên lạm phát vẫn ở mức hạn chế, nhưng nhiều chuyên gia dự báo ảnh hưởng sẽ ngày càng rõ ràng.

“Chúng ta biết rằng luôn có độ trễ giữa thời điểm áp thuế và tác động đến lạm phát. Doanh nghiệp có quy trình nhập khẩu khác nhau... chúng ta chưa thấy đầy đủ tác động của thuế lên CPI, nhưng tôi kỳ vọng điều đó sẽ sớm xuất hiện rõ hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng Gregory Daco thuộc EY-Parthenon nhận xét.

Tác động thuế quan đang phản ánh vào giá

Dữ liệu CPI tháng 6 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát Fed sử dụng trong phân tích chính sách - sẽ vượt mục tiêu 2%, đặc biệt sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 30% hoặc hơn với Mexico, Canada và EU.

Chỉ số PCE lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tăng ở mức 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 5; dự báo gần nhất của Fed cho thấy chỉ số này có thể đạt 3,1% vào cuối năm 2025. Đợt thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 có thể đẩy con số này tăng cao hơn nữa.

“Nếu thuế được chuyển toàn bộ vào giá, nó sẽ làm PCE tăng thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Feroli của JP Morgan ước tính.

“Với khả năng chuyển giá không hoàn toàn và bị nén biên lợi nhuận, ước tính thực tế hơn là 0,2-0,3 điểm phần trăm. Điều này củng cố lập luận rằng Fed nên thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất”, ông nói thêm.

Trong khi đó, ông Daco cho biết đã có sự “phân hóa” rõ rệt giữa các nhóm hàng hóa với mức giá tăng nhanh hơn so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Ví dụ, giá đồ nội thất tăng 1% trong tháng 6, đảo ngược xu hướng giảm giá trước đó.

Một số chuyên gia khác chỉ ra các mặt hàng như thiết bị giải trí, bao gồm đồ chơi, thiết bị âm thanh và hình ảnh, thường nhập khẩu từ Trung Quốc có thể là thước đo tốt cho tác động của thuế. Nhóm này tăng 0,8% trong tháng 6, gấp đôi tốc độ của hai tháng trước.

Dụng cụ và thiết bị ngoài trời cũng là nhóm nhập khẩu nhiều, sau khi tăng mạnh vào mùa xuân, đã chững lại với mức tăng 0,2% trong tháng 6, so với 0,6% của tháng 5.

Tuy vậy, “tác động từ thuế đã rất rõ ràng trong dữ liệu CPI tháng 6”, chuyên gia kinh tế trưởng Samuel Tombs thuộc Pantheon Macroeconomics nhận định.

Nếu loại trừ ô tô, giá các mặt hàng phi thực phẩm và năng lượng đã tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2022 - thời điểm Fed vẫn đang chật vật kiềm chế lạm phát sau đại dịch.

“Giá tăng đặc biệt mạnh ở các mặt hàng chủ yếu nhập khẩu”, Tombs nói và cho biết giá thiết bị gia dụng, đồ thể thao và đồ chơi đều tăng gần 2% chỉ trong tháng 6.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/fed-bat-dau-thay-ro-noi-lo-lam-phat-qua-so-lieu-cpi-167360.html
Zalo