EURO 2024: 'cái bẫy ngọt ngào' của UEFA

Đăng cai EURO là niềm tự hào với bất cứ quốc gia nào tại châu Âu, nhưng bức tranh tài chính không mấy tươi sáng và rõ ràng. UEFA có những yêu cầu nghiêm ngặt khiến các nhà tổ chức và thành phố đăng cai tương ứng của họ phải chịu phần lớn chi phí và rủi ro, trong khi lợi ích thường không thể định lượng được.

UEFA kiếm bộn tiền từ EURO

Đối với Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), EURO chính là giải đấu tạo ra nguồn thu lớn nhất. EURO 2024 tại Đức dự kiến tạo ra doanh thu 2,41 tỷ euro cho cơ quan quyền lực này. Đây là con số cao hơn đáng kể so với EURO 2016 (1,92 tỷ euro) và EURO 2020 (1,88 tỷ euro). Ngoài ra, nó chiếm gần 36% trong doanh thu 6,69 tỷ euro mà UEFA dự kiến sẽ tạo ra trong mùa giải 2023- 2024.

EURO 2024 tạo ra doanh thu khổng lồ cho UEFA.

EURO 2024 tạo ra doanh thu khổng lồ cho UEFA.

Việc bán bản quyền phát sóng mang lại doanh thu lớn nhất với 1,44 tỷ euro (chiếm 60% tổng doanh thu). Quyền thương mại chiếm 24% (568 triệu euro), trong khi vé và dịch vụ khách sạn tạo ra 17% (400 triệu euro).

Trước giải đấu, UEFA công khai kế hoạch sử dụng nguồn doanh thu đó, bao gồm tiền thưởng cho các đội tham dự và cho các CLB có cầu thủ thi đấu tại giải. Tuy nhiên, những khoản tiền thưởng này cộng thêm chi phí thi đấu chỉ chiếm 1/4 tổng doanh thu, khoảng 645,5 triệu euro. Chi phí thi đấu ở đây bao gồm các khoản như thuê sân vận động, tình nguyện viên, sản xuất chương trình truyền hình, lễ bốc thăm, nghi lễ, chi phí đi lại và nhân viên. Ngoài ra, chi phí cho trọng tài, quan chức trận đấu và VAR cũng khá lớn.

Chi phí thi đấu dự kiến của EURO 2024 thấp hơn 8,3% so với 703,9 triệu euro mà UEFA phải gánh ở EURO 2020. Có sự khác biệt đáng kể này bởi lẽ EURO 2020 là phiên bản độc đáo, tổ chức ở 11 quốc gia khác nhau, dẫn đến việc nhiều đội tuyển phải di chuyển nhiều lần hơn, xa hơn. Tổng chi phí đi lại lên tới 3,4 triệu euro. Hơn nữa, EURO 2020 bị hoãn lại một năm do đại dịch, tạo ra nhiều khoản phát sinh lớn, bao gồm cả các khoản tiền cho việc phòng chống COVID-19.

Lợi nhuận ròng mà UEFA thu về từ EURO 2024 lên đến 1,76 tỷ euro. Trong đó, 1,19 tỷ euro được sử dụng để tiếp tục phát triển bóng đá châu Âu, bao gồm chi phí quản lý của UEFA (khoảng 112 triệu euro), chi phí cho các hoạt động hàng năm cho đến EURO 2028 (75 triệu euro), xây dựng lại nguồn dự trữ của UEFA (70 triệu euro) và chương trình HatTrick (935 triệu euro).

Tổ chức EURO tốn bao nhiêu tiền?

Các yêu cầu nghiêm ngặt do UEFA áp đặt đối với Đức và thành phố chủ nhà dẫn đến nhu cầu đầu tư đáng kể, với số tiền thường vượt xa dự báo ban đầu. Ngoài chi phí, các hợp đồng được công bố chỉ ra rằng rất nhiều rủi ro thuộc về các nhà tổ chức địa phương. Chính phủ liên bang Đức, các bang và thành phố đang trả khoảng 650 triệu euro cho EURO 2024. Dortmund, nơi sẽ tổ chức sáu trận đấu tại BVB Stadion có sức chứa 62.000 người, dự kiến chi phí vượt 24 triệu euro.

Mười thành phố cộng lại sẽ chi nhiều hơn ít nhất 66 triệu euro so với kế hoạch ban đầu. Tại các thành phố chủ nhà Frankfurt và Berlin, chi phí đã tăng gần gấp đôi so với kỳ vọng năm 2017. Chi phí phát sinh từ vốn sẽ cao hơn 40 triệu euro so với dự báo.

Một khoản chi phí chính là các khu vực lễ hội của người hâm mộ (fan zone) mà UEFA yêu cầu các thành phố đăng cai tổ chức. Chỉ riêng việc này thôi, các thành phố đã phải gánh chịu chi phí khoảng 260 triệu euro. Berlin đang chi 24 triệu euro cho hai khu vực dành cho người hâm mộ ở Cổng Brandenburg và Reichstag.

Các fan zone tiêu tốn hàng chục triệu euro của thành phố đăng cai.

Các fan zone tiêu tốn hàng chục triệu euro của thành phố đăng cai.

Bên cạnh khu vực lễ hội, các thành phố chủ nhà phải tự bỏ tiền túi ra quảng cáo EURO 2024 và các sự kiện bên lề, thuê người nổi tiếng làm đại sứ cũng như đào tạo và hỗ trợ các tình nguyện viên. Chưa kể họ cũng phải thành lập ủy ban giám sát bảo vệ các hợp đồng thương mại và quảng cáo của UEFA.

Việc tuân thủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng thường là khoản chi phí lớn nhất (và là nguyên nhân gây ra nhiều thách thức) đối với các nhà tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Đặc biệt là khi các địa điểm mới phải được xây dựng hoặc những địa điểm hiện có cần được cải tạo đáng kể. Đối với chủ nhà World Cup, đây luôn là vấn đề căng thẳng nhất. Ví dụ, với World Cup 2022, nước chủ nhà Qatar đã chi 3 tỷ USD để xây dựng 9 sân vận động mới và cải tạo 3 sân vận động khác (cuối cùng số địa điểm đã giảm xuống còn 8). Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc (World Cup 2002) được cho là đã đầu tư từ 6,5-7 tỷ USD vào xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Chủ nhà EURO thường yêu cầu đầu tư ít hơn để tuân thủ các yêu cầu của UEFA. Vì hầu hết các quốc gia đều có đủ sân vận động hiện đại với sức chứa đủ cao. Đối với EURO 2024, UEFA yêu cầu chủ nhà phải có 10 sân vận động, bao gồm 3 sân có sức chứa ít nhất 50.000 chỗ ngồi (trong đó tốt nhất 1 sân có sức chứa 60.000 chỗ ngồi trở lên), 3 sân nữa có sức chứa ít nhất 40.000 chỗ ngồi và 4 sân có sức chứa ít nhất 30.000 chỗ ngồi.

Đức có đủ địa điểm phù hợp với yêu cầu của UEFA. Trong số 10 sân vận động được chọn đăng cai EURO 2024, 9 sân từng tổ chức các trận đấu tại World Cup 2006. Sân vận động Düsseldorf Arena, mở cửa năm 2004 là ngoại lệ duy nhất.

Mặc dù có sẵn các sân vận động phù hợp, Đức vẫn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, MHPAArena ở Stuttgart đã được xây dựng trong hơn hai năm để đáp ứng yêu cầu của UEFA. Họ phải chi ra 140 triệu euro để hiện đại hóa các khán đài. Vào tháng 2/2024, thành phố Stuttgart phải phê duyệt khoản tài trợ bổ sung 20 triệu euro để đảm bảo sân vận động này có thể hoàn thành kịp thời gian cho giải đấu.

Các khoản đầu tư nhỏ hơn để đảm bảo các địa điểm sẵn sàng cho EURO 2024 cũng được bổ sung. Ví dụ: Allianz Arena vòng an ninh tạm thời với 120 lối vào để đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật cao nhất. Các khu vực dành cho truyền thông cũng được mở rộng, với trung tâm báo chí lớn hơn, bổ sung Studio Pitch View và các công nghệ đắt đỏ khác.

Cái tên “Allianz Arena” bị xóa bỏ khỏi mặt tiền của sân vận động, bởi lẽ UEFA có quyền sở hữu sân vận động trong thời gian diễn ra vòng chung kết. Thay vì được gọi tên theo nhà tài trợ, sân nhà của Bayern Munich được lấy tên tạm thời là “Munich Football Arena”.

Đòn bẩy mơ hồ

EURO 2024 đang khởi đầu cực kỳ thành công với một loạt trận đấu hấp dẫn. Đây là tín hiệu vui cho Đức, quốc gia đặt nhiều kỳ vọng giải đấu sẽ trở thành đòn bẩy kinh tế, kích thích tiêu dùng không chỉ của người hâm mộ bóng đá đơn thuần và khách du lịch.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 0,3% trong năm nay, chậm hơn so với các nước công nghiệp hóa lớn khác.

Có 2,7 triệu vé có sẵn cho sự kiện kéo dài 4 tuần (14/6 - 14/7). Các địa điểm đăng cai Berlin, Munich, Cologne, Dortmund, Duesseldorf, Frankfurt, Gelsenkirchen, Hamburg, Leipzig và Stuttgart có thể mong đợi một lượng lớn khách trong và ngoài nước .

Norbert Kunz, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Đức (DTV), cho biết: “Mọi người tích cực chi tiêu hơn khi đi du lịch, chẳng hạn như đi tham dự các sự kiện và buổi hòa nhạc lớn của các ngôi sao quốc tế. Có thể năm 2024 sẽ là một năm kỷ lục mới về du lịch ở Đức - cũng nhờ có rất nhiều người hâm mộ bóng đá nhiệt tình muốn trải nghiệm trực tiếp EURO 2024 và các sự kiện khác cùng thời điểm”.

Các nhà máy bia cũng có thể mong đợi sự thúc đẩy đặc biệt. Ông Holger Eichele thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất bia Đức cho biết: “Các sự kiện bóng đá lớn trước đây cho thấy lượng bia được uống trong thời gian diễn ra giải đấu nhiều hơn mức bình thường trong những tuần mùa hè”. Trong World Cup 2006, nơi Đức cũng đăng cai, doanh số bán bia đã tăng khoảng 5% trước và trong giải đấu.

Tuy nhiên, chính Đức từng trải nghiệm tại World Cup 2006 rằng các sự kiện thể thao lớn không giúp nền kinh tế thăng hoa như lý thuyết, hoặc như những người ngoài cuộc tưởng tượng. Nhiều người tiêu dùng có thể coi giải đấu như một cơ hội để mua một chiếc tivi mới hoặc uống thêm một cốc bia.

Ông Michael Groemling thuộc Viện Kinh tế Đức (IW) giải thích: “Họ có thể chi tiền cho EURO 2024, nhưng lại tiết kiệm ở nơi khác, uống bia xem bóng đá ở nhà thay vì đi ăn hàng, xem tivi buổi tối thay vì đi xem phim. Kết quả là, chi tiêu của người tiêu dùng không nhất thiết phải tăng lên mà chỉ đơn giản là đang thay đổi”.

Muôn màu kinh doanh bóng đá EURO 2024

Số lượng khách tăng đột biến không phải lúc nào cũng tốt. Đó là điều mà Deutsche Bahn, hãng đường sắt lớn nhất châu Âu hiểu rõ nhất. Deutsche Bahn từng là niềm tự hào của nước Đức, nhưng đó là quá khứ nhiều năm trước. Hàng nghìn người hâm mộ bị mắc kẹt ở các nhà ga Deutsche Bahn sau mỗi trận đấu, khiến truyền thông các nước phải lên tiếng chỉ trích.

Một nhà tài trợ khác gây bất ngờ theo kiểu khác. Đó là BYD, thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc và hiện là nhà sản xuất xe điện (EV) phổ biến nhất thế giới. Đối tác của EURO 2024 không phải là Mercedes hay hãng đồng hương Volkswagen của Đức mà là BYD.

Đáng chú ý, BYD chỉ là một trong 5 thương hiệu Trung Quốc nằm trong số 13 nhà tài trợ toàn cầu của EURO 2024. Trong khi đó, chủ nhà Đức chỉ có 3 thương hiệu tài trợ. Cường quốc tiếp thị thể thao truyền thống Mỹ thậm chí chỉ có 2 cái tên góp mặt.

Visa Qatar - cơ quan du lịch của quốc gia vùng Vịnh bỏ ra số tiền khổng lồ chỉ nhằm khuyến khích người hâm mộ bóng đá châu Âu “biến Qatar thành điểm dừng chân” khi bay đến châu Á.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/euro-2024-cai-bay-ngot-ngao-cua-uefa-i735810/
Zalo