EU phản ứng thuế mới của Mỹ
Liên minh châu Âu cùng với Mexico đã nhận thư thông báo mức thuế 30% từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần rồi
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt lên tiếng phản đối mức thuế 30% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ áp lên khối này. Phần lớn ý kiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, đối thoại mang tính xây dựng và sự sẵn sàng thúc đẩy đạt được thỏa thuận trước ngày 1-8 - thời điểm mức thuế trên có hiệu lực.
"Việc áp thuế 30% đối với hàng xuất khẩu của EU sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương thiết yếu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định hôm 12-7.
Theo đài CNBC, tuyên bố của bà Ursula von der Leyen khẳng định EU luôn ưu tiên một giải pháp đàm phán với Mỹ, phản ánh cam kết của khối này đối với đối thoại, ổn định và quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mang tính xây dựng. Dù vậy, Chủ tịch EC nhấn mạnh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, trong đó có việc áp dụng các biện pháp trả đũa tương xứng nếu cần thiết.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự ủng hộ dành cho EC trong tiến trình đàm phán với Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận mà đôi bên chấp nhận được trước ngày 1-8. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi EU kiên quyết bảo vệ các lợi ích của châu Âu và tăng tốc chuẩn bị các biện pháp đối phó nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Các container hàng hóa xuất khẩu tại TP Frankfurt - Đức. Ảnh: AP
Theo trang The Guardian, tại hội nghị dự kiến diễn ra ngày 14-7, các bộ trưởng thương mại EU nhiều khả năng đối mặt áp lực từ một số quốc gia thành viên yêu cầu có phản ứng cứng rắn bằng cách áp thuế đối với 21 tỉ euro hàng nhập khẩu từ Mỹ. Biện pháp này nhằm trả đũa các mức thuế riêng rẽ mà Mỹ áp đặt lên thép và nhôm.
Đến nay, EU vẫn chưa áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu châu Âu dù khối này đã chuẩn bị sẵn 2 gói thuế quan bổ sung có thể đánh vào tổng cộng 93 tỉ euro hàng hóa Mỹ. Thay vào đó, các quan chức EC và đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã dành nhiều tháng để đàm phán, xây dựng một thỏa thuận mà họ tin là có thể chấp nhận được với cả hai bên.
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, hôm 12-7 cho biết EU đã đàm phán căng thẳng với Washington trong hơn 3 tuần qua và đã đưa ra một số nhượng bộ. Vì thế, ông kêu gọi EU có phản ứng tức thì trước đe dọa về mức thuế của ông Donald Trump.
Cùng với thư thông báo thuế gửi EC, ông Donald Trump hôm 12-7 còn công bố nội dung lá thư tương tự gửi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum. Mexico sau đó tỏ ra tự tin rằng nước này sẽ ngăn chặn được mức thuế 30% mà ông Donald Trump cho biết sẽ áp dụng vào tháng 8.
Bà Sheinbaum cho biết hai bên có thể đạt được thỏa thuận trước khi thuế mới có hiệu lực vào ngày 1-8. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh Mexico biết rõ đâu là những vấn đề có thể hợp tác với Mỹ và đâu là những điều không thể, cũng như chủ quyền đất nước là điều không bao giờ có thể đem ra thương lượng.
Theo đài Al Jazeera, Mexico là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các mức thuế của Mỹ. Theo thống kê, khoảng 80% hàng xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ.
Căng thẳng thương mại EU - Trung Quốc gia tăng
Chính sách thuế quan của Mỹ đang thu hút sự chú ý toàn cầu, từ đó làm lu mờ căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa EU và Trung Quốc. Theo đài CNBC, Bắc Kinh vào đầu tháng này đã ban hành lệnh hạn chế nhập khẩu thiết bị y tế từ EU, không lâu sau khi Brussels cấm công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu những hợp đồng mua sắm thiết bị y tế có giá trị lớn. Ngoài ra, mức thuế mà Trung Quốc từng nhiều lần đe dọa áp lên rượu mạnh nhập từ EU chính thức có hiệu lực vào đầu tháng này.
Theo chuyên gia Marc Julienne của Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, quan hệ thương mại EU - Trung Quốc nhìn chung đang "khá tồi tệ". "Lĩnh vực từng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho mối quan hệ song phương nay đã trở thành vấn đề liên quan đến rủi ro nhiều hơn là cơ hội" - ông nhận định với đài CNBC vào cuối tuần rồi.
Chuyên gia Grzegorz Stec của Viện Nghiên cứu Mercator (Đức) cũng cho rằng mối quan hệ EU - Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức và rủi ro, chủ yếu vì lập trường kinh tế xung đột. Theo ông, việc Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu lại mâu thuẫn với việc EU cần bảo vệ nền công nghiệp nội địa.
Ông Stec nhận định "khó có khả năng tìm ra giải pháp" cho những tranh cãi thương mại dai dẳng giữa hai bên. Thậm chí, ông dự báo sẽ có thêm nhiều vấn đề phát sinh, nhất là khi Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng lệnh kiểm soát xuất khẩu đất hiếm làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về thuế xe điện.
Cùng nhận định, ông Julienne nêu ra một loạt mối lo khiến quan hệ EU - Trung Quốc thêm phức tạp, như "môi trường ngày càng khó khăn" đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, hay thâm hụt thương mại của EU với Bắc Kinh...
Cao Lực