EU áp quy định mới với phế liệu kim loại, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
EC vừa kích hoạt hệ thống giám sát hải quan với phế liệu kim loại nhằm bảo vệ nguồn cung nội khối, doanh nghiệp Việt cần ứng phó kịch bản siết xuất khẩu.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia cho biết, từ ngày 23/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức kích hoạt hệ thống giám sát hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu kim loại ra vào Liên minh châu Âu (EU), bao gồm các loại như thép, nhôm và đồng. Động thái này là tín hiệu quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tái chế kim loại hoặc có hoạt động thương mại liên quan cần đặc biệt quan tâm.
Đây là một phần trong Kế hoạch hành động về thép và kim loại (SMAP), được EC công bố từ ngày 19/3, nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu tái chế trong nội khối và tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp kim loại châu Âu. Một trong những trọng tâm then chốt của kế hoạch là kiểm soát chặt chẽ dòng chảy phế liệu, qua đó, đảm bảo nguồn cung ổn định cho EU, phục vụ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ròng tới 90% vào năm 2040.

Doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu phế liệu từ EU cần chủ động theo dõi sát các thông báo từ phía EC và chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó. Ảnh: baochinhphu.vn
EC cảnh báo rằng, nguồn phế liệu kim loại sẵn có trong EU đang có xu hướng suy giảm, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng “rò rỉ” phế liệu ra bên ngoài, tức xuất khẩu sang các nước thứ ba. Trong bối cảnh giá nguyên liệu thô thế giới tăng cao, khả năng phế liệu châu Âu bị siết chặt khi xuất khẩu sang các quốc gia như Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đáng chú ý, hệ thống giám sát mới được EC triển khai sẽ cho phép thu thập dữ liệu chi tiết về từng loại phế liệu xuất khẩu, bao gồm khối lượng, chủng loại và quốc gia điểm đến. Những thông tin này sẽ được sử dụng như cơ sở để đánh giá tình hình cung ứng và nếu phát hiện nguy cơ thiếu hụt, EU có thể nhanh chóng áp dụng các biện pháp thương mại hạn chế xuất khẩu.
Bên cạnh đó, EC đang làm việc chặt chẽ với các bên liên quan trong ngành công nghiệp để phân loại phế liệu ở mức độ chi tiết hơn. Việc này có thể kéo theo loạt quy chuẩn xuất khẩu mới nghiêm ngặt hơn, đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, đến cuối quý III năm 2025, EC sẽ tiến hành đánh giá tình hình thực tế dựa trên dữ liệu thương mại được cập nhật hàng tháng. Từ đó, cân nhắc khả năng áp dụng thêm các công cụ chính sách mới nhằm bảo vệ nguồn cung phế liệu trong nội khối.
Trước những diễn biến này, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động theo dõi tình hình và chuẩn bị sẵn phương án ứng phó trong trường hợp EU áp dụng các biện pháp kiểm soát thương mại chặt chẽ hơn, bao gồm khả năng hạn chế hoặc yêu cầu bổ sung về chất lượng và truy xuất nguồn gốc phế liệu nhập khẩu từ khối này.