Duy trì xuyên suốt hoạt động từ thiện nhân đạo
Ngoài các chính sách của Nhà nước, thời gian qua, người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người dân gặp phải khó khăn đột xuất... tại tỉnh Đồng Nai (cũ) và Bình Phước (cũ) còn nhận được hỗ trợ từ nguồn lực cộng đồng. Đây là sự trợ giúp rất cần thiết để giúp những hoàn cảnh không may vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước (cũ) cùng các đơn vị phối hợp, mạnh thường quân trao bảng kinh phí hỗ trợ một hoàn cảnh kém may mắn tại phường Bình Long trong Chương trình Chia sẻ nỗi đau. Ảnh: N.Quế
Từ ngày 1-7, sau khi 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sáp nhập, việc vận động nguồn lực và phân phối sẽ không bị gián đoạn, mà tiếp tục được duy trì xuyên suốt nhằm hỗ trợ cho những người kém may mắn.
Trợ giúp gần 7 ngàn địa chỉ nhân đạo
Thực hiện Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, thời gian qua, hội chữ thập đỏ (CTĐ), hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tại tỉnh Đồng Nai (mới) duy trì vận động trên 5 ngàn tập thể, cá nhân nhận giúp đỡ hàng tháng cho gần 7 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (cũ) có gần 4,7 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn và tỉnh Bình Phước (cũ) có trên 2,2 ngàn địa chỉ đang được trợ giúp nhân đạo hàng tháng.
Tùy theo khả năng vận động cũng như số lượng cần trợ giúp mà mỗi hội CTĐ, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, phường và tỉnh thực hiện hỗ trợ hàng tháng với giá trị vật chất khác nhau cho từng trường hợp. Trong đó, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đang hỗ trợ hàng tháng cho gần 1 ngàn trường hợp. Giá trị mà mỗi gia đình được nhận từ 500 ngàn đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, vào những dịp lễ, Tết, tập thể, cá nhân nhận giúp đỡ hàng tháng còn tặng thêm quà là lương thực, thực phẩm cho người được trợ giúp.
Anh Quang Thái (nạn nhân chất độc da cam ngụ tại phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai mới) cho hay, những năm qua, hàng tháng anh đều nhận được tiền và quà hỗ trợ của nhà hảo tâm thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai (cũ) trao tặng. Mẹ anh Thái đi phụ việc nhà. Anh bị bại liệt 2 chân, 2 tay thì rất yếu nên không tìm được việc làm. Do vậy, việc được trợ giúp hàng tháng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của mẹ con anh.
Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai (cũ) Mai Văn Nhỏ, hầu hết những gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam hoàn cảnh sống rất khó khăn. Do vậy, việc duy trì trợ giúp hàng tháng với những địa chỉ này là điều mà hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh chú trọng thực hiện. Để làm tốt điều này, ngoài việc chủ động tìm kiếm nguồn lực cộng đồng, việc rà soát danh sách gia đình nạn nhân chất độc da cam nhằm không bỏ sót gia đình cần trợ giúp sẽ được chú trọng thực hiện, nhất là khi các xã, phường tiến hành sáp nhập.
Còn theo thống kê của Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai (mới), thực hiện Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, toàn tỉnh có trên 4 ngàn tập thể, cá nhân là các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm trong cũng như ngoài tỉnh, người Việt Nam ở nước ngoài nhận giúp đỡ cho gần 5,7 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Trong đó, Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai (cũ) đã hỗ trợ cho gần 3,5 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn và Hội CTĐ tỉnh Bình Phước (cũ) đã hỗ trợ cho trên 2,2 ngàn địa chỉ nhân đạo. Tổng giá trị được huy động để trợ giúp cho các địa chỉ này gần 10 tỷ đồng/quý. Những địa chỉ nhân đạo này cũng nằm trong danh sách ưu tiên mỗi khi hội CTĐ các cấp tổ chức trao tặng quà nhân dịp lễ, Tết, Tháng Nhân đạo hàng năm.
Chủ tịch Hội Từ thiện Đồng Nai (cũ) Nguyễn Phú Cường cho biết, hội chăm sóc hàng tháng cho 27 trường hợp. Trước đây, giá trị quà tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn chỉ khoảng 200 ngàn đồng. Do vật giá tăng nên vừa qua hội đã nâng giá trị quà lên 300 ngàn đồng/tháng. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục vận động, kết nối nguồn lực để duy trì sự trợ giúp người dân.
Thực hiện Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai (cũ) đã hỗ trợ hàng tháng cho gần 3,5 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng; Hội CTĐ tỉnh Bình Phước (cũ) đã hỗ trợ cho trên 2,2 ngàn địa chỉ nhân đạo với tổng giá trị trên 8,7 tỷ đồng.
Tiếp tục các hoạt động từ thiện nhân đạo
Cùng với duy trì thường xuyên Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, những hoạt động trợ giúp nhân đạo sẽ tiếp tục được các hội từ thiện, nhân đạo thực hiện.
Trong đó, Chương trình Chia sẻ nỗi đau do Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước (cũ) chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, nhà hảo tâm sẽ tiếp tục được duy trì.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước (cũ) Nguyễn Thị Liên cho hay, đây là chương trình kết nối cộng đồng đến với những hoàn cảnh khốn khó, nhằm giúp họ vơi bớt khó khăn, có chi phí điều trị bệnh, xây - sửa nhà hay có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế…
Sau khi ly hôn, chị Dương Thị Trang (ngụ phường Bình Long) nuôi 2 con nhưng không nhận được tiền chu cấp nuôi con từ chồng cũ. Bị ung thư xương đa tủy nhưng hàng ngày chị Trang vẫn phải đi bán trái cây dạo để kiếm tiền lo các khoản chi phí trong gia đình. Sau 5 lần hóa trị, số tiền nợ đã hơn 200 triệu đồng, trong khi bác sĩ chỉ định phải hóa trị 9 lần. Để giúp chị Trang có tiền điều trị bệnh, Chương trình Chia sẻ nỗi đau đã kết nối yêu thương, trao số tiền 230 triệu đồng cho gia đình. Từ nguồn hỗ trợ này, Ban Tổ chức chương trình cùng gia đình và chính quyền địa phương đã thống nhất “chia sẻ” 40 triệu đồng trợ giúp 2 hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh trên địa bàn.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, thời gian qua, chương trình đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh được “hồi sinh”, có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. Năm 2025, rất mong các nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành cùng chương trình để giúp đỡ nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn
trong tỉnh.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai (cũ) trao tặng học bổng cho học sinh Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý). Ảnh: S.Thao
Còn theo ông Nguyễn Phú Cường, mỗi tuần/lần, các thành viên Hội Từ thiện tỉnh Đồng Nai (cũ) lại tổ chức một hoạt động nhân đạo trợ giúp cộng đồng với nhiều mức độ, quy mô khác nhau, như: tặng phần ăn cho bà con lao động tự do và bệnh nhân điều trị nội trú, tặng hàng trăm phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn… Mong muốn của hội là tiếp tục nhận được sự chung tay của cộng đồng để duy trì các hoạt động ý nghĩa.
Riêng Hội CTĐ tỉnh, các xã, phường đã chủ động đề ra phương hướng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo trong thời gian tới, mà trước mắt là những tháng còn lại của năm 2025. Cụ thể, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục thực hiện Phong trào Thi đua vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; vận động xây dựng nhà CTĐ cho cán bộ, hội viên và các hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở; tiếp tục vận động thực hiện Dự án Ngân hàng bò nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh thực hiện Phong trào Người tốt, việc thiện - chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái…
Chị Thanh Hiếu (ngụ phường Phước Tân) cho hay, thời gian qua, mỗi tháng, thông qua Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai (cũ), chị cùng nhóm bạn tổ chức nấu ăn tặng bệnh nhân cùng thân nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế; mua rau củ quả đóng gói thành từng phần tặng cho lao động tự do… Những hoạt động này sẽ được chị Thanh Hiếu cùng nhóm bạn duy trì với mong muốn cùng Hội CTĐ tỉnh Đồng Nai (mới) giúp người dân còn khó khăn trong cuộc sống.