Được hưởng quyền miễn trừ truy tố - Ông Trump thắng lớn

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập đất nước vào thế kỷ XVIII, Tòa án tối cao Mỹ tuyên bố rằng các cựu tổng thống có thể được bảo vệ khỏi các cáo buộc hình sự với tất cả những hành động nằm trong thẩm quyền hiến định.

Siêu quyền lực cho Tổng thống

Tòa án tối cao Mỹ ngày 1/7 đã bác bỏ một phán quyết trước đó của tòa cấp dưới, khẳng định cựu Tổng thống Donald Trump vẫn được hưởng quyền miễn trừ truy tố.

Theo phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ, các Tổng thống Mỹ có “quyền miễn trừ tuyệt đối” đối với các hành vi mang tính chất công vụ của họ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi thành lập đất nước vào thế kỷ XVIII, Tòa án tối cao Mỹ tuyên bố rằng các cựu tổng thống có thể được hưởng quyền miễn trừ truy tố với tất cả những hành động nằm trong thẩm quyền hiến định.

9 thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ.

9 thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ.

Phán quyết của Tòa án tối cao được đưa ra trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc.

Các công tố viên liên bang đã buộc tội ông Trump phạm bốn tội danh liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cáo buộc rằng ông “âm mưu” lật ngược kết quả bằng cách truyền bá “những tuyên bố cố ý sai sự thật” về gian lận để cản trở việc thu thập, kiểm phiếu và chứng nhận kết quả.

Với 6 phiếu thuận và ba phiếu chống, phán quyết ngày 1/7 của Tòa án tối cao Mỹ cho biết: “Theo cấu trúc của Hiến pháp Mỹ về các quyền lực riêng biệt, bản chất của quyền lực tổng thống cho phép một cựu tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối, không bị truy tố hình sự đối với các hành động nằm trong thẩm quyền hiến định. Và cựu tổng thống ít nhất có quyền được miễn trừ truy tố đối với tất cả các hành vi mang tính chất công vụ của mình. Không có quyền miễn trừ đối với các hành vi không phải công vụ.”

Quyết định này có lợi cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi các dòng tweet của ông gửi tới công chúng Mỹ vào ngày 6 tháng 1 và các cuộc trò chuyện với Phó Tổng thống lúc bấy giờ là Mike Pence về việc ông chủ trì chứng nhận kết quả bầu cử, đều nằm trong phạm vi hành vi mang tính chất công vụ.

“Tổng thống không đứng trên pháp luật. Nhưng theo hệ thống quyền lực riêng biệt của chúng ta, tổng thống có thể không bị truy tố vì thực hiện các quyền lực hiến định cốt lõi của mình và ông ấy ít nhất có quyền được miễn truy tố vì các hành vi mang tính chất công vụ của mình”, phán quyết cho biết.

Tuy nhiên, phán quyết cũng cho phép các tòa án cấp dưới tổ chức các phiên điều trần có bằng chứng để xác định hành động nào của ông Trump có thể là không phải công vụ, chẳng hạn như khi ông liên lạc với các quan chức bầu cử tiểu bang và địa phương về cuộc bỏ phiếu năm 2020.

“Khi phân biệt hành vi mang tính chất công vụ và hành vi không mang tính chất công vụ, tòa án không được điều tra động cơ của Tổng thống”, phán quyết nêu rõ.

Quyết định trên được đưa ra sau khi ông Trump kháng cáo phán quyết của tòa phúc thẩm rằng ông không được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2020. Tòa án tối cao đã thông báo quyết định trên vào đúng ngày cuối cùng của thời hạn xét xử.

Sau khi Tòa án tối cao Mỹ đưa ra phán quyết về quyền miễn trừ của tổng thống, ông Trump đã hoan nghênh đồng thời gọi đây là chiến thắng lớn cho Hiến pháp và nền dân chủ Mỹ.

Bài đăng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên nền tảng Truth Social.

Bài đăng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên nền tảng Truth Social.

Ông Trump là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa sẽ đối đầu Tổng thống đương nhiệm Joe Biden của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 tới. Ông cũng là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự, đồng thời là cựu tổng thống đầu tiên bị kết án hình sự.

Giáo sư Claire Wofford tại Đại học Charleston nhận định, phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ sẽ gây khó khăn lớn cho công tố viên đặc biệt Jack Smith theo đuổi vụ kiện chống lại ông Trump. Phán quyết cũng có thể có tác động sâu rộng đến hệ thống chính trị Mỹ, mở rộng quyền lực và quyền miễn trừ trừng phạt của các tổng thống tương lai.

Phán quyết về việc miễn trừ truy tố có phạm vi rộng trong việc cấp các biện pháp bảo vệ cho các Tổng thống Mỹ, đến mức nó có khả năng không chỉ định hình lại chức vụ tổng thống mà còn định hình lại toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị Mỹ

Giáo sư Claire Wofford.

Phản ứng của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/7 đã chỉ trích phán quyết của Tòa án tối cao về quyền miễn trừ của tổng thống, vốn được coi là chiến thắng cho đối thủ tranh cử của ông, cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Biden gọi đây là tiền lệ nguy hiểm gây bất lợi cho người dân Mỹ.

Trong những phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho biết quyết định này có nghĩa là ông Trump rất khó có thể phải ra tòa trước cuộc bầu cử ngày 5/11 năm nay vì tham gia vào vụ tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

“Quốc gia này được thành lập dựa trên nguyên tắc rằng không có ngoại lệ ở Mỹ. Mỗi người chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai, không cá nhân nào đứng trên luật pháp. Ngay cả tổng thống Mỹ cũng vậy”, ông Biden nói.

Ông Biden nhấn mạnh công chúng có quyền được biết kết quả của cuộc truy tố đó trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, nhưng cho rằng: “Bây giờ, vì quyết định của tòa hôm nay, điều đó rất, rất khó xảy ra. Đó là một bất công khủng khiếp đối với người dân ở quốc gia này”.

Kênh CNN của Mỹ cũng dẫn lời ông Biden nêu rõ: “Phán quyết của Tòa án tối cao ngày hôm nay về quyền miễn trừ của tổng thống đã tạo ra sự thay đổi căn bản. Về mọi mặt trên thực tế, hầu như không có giới hạn nào đối với những gì tổng thống có thể làm. Đây là một nguyên tắc mới và là một tiền lệ nguy hiểm vì quyền lực của chức vụ này sẽ không còn bị luật pháp hạn chế nữa, ngay cả với tòa án tối cao của Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích phán quyết của Tòa án tối cao, gọi đây là một "tiền lệ nguy hiểm".

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích phán quyết của Tòa án tối cao, gọi đây là một "tiền lệ nguy hiểm".

Bài phát biểu chính trị đáng chú ý trên của Tổng thống Biden diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với chiến dịch của ông khi cố gắng vượt qua những lo ngại dai dẳng về tuổi tác, vốn đã trầm trọng hơn sau màn tranh luận tổng thống vào tuần trước.

Màn thể hiện không ổn định đã gây lo lắng cho những nhà tài trợ hàng đầu của ông Biden và đặt ra những câu hỏi cho Đảng Dân chủ về việc liệu ông Biden có nên tiếp tục tham gia tranh cử hay không.

Trump 2.0 sẽ như thế nào?

Theo CNN, với phán quyết về quyền miễn trừ truy tố mà Tòa án tối cao Mỹ đưa ra ngày 1/7, phiên tòa hình sự xét xử ông Donald Trump vì cố gắng lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 khó có thể diễn ra trước tháng 11.

Theo Giáo sư luật James Sample tại Đại học Hofstra, với việc nâng cao các rào cản để truy tố ông Trump thành công, tòa án đã trao cho “Tổng thống Trump một chiến thắng khi ông ấy sắp về đích của chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024”.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí TIME xuất bản hồi tháng 4 vừa qua, cựu Tổng thống Mỹ đã hé lộ tầm nhìn cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về vấn đề nhập cư, ông Trump cho biết ông sẽ “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc tiến hành trục xuất hàng loạt, bao gồm việc sử dụng quân đội để trục xuất 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ.

Về vấn đề phá thai, một chủ đề nóng bỏng khác trong mùa bầu cử Mỹ năm nay, ông Trump nhắc lại lập trường của mình rằng ông sẽ để vấn đề này cho từng bang của Mỹ quyết định, trong việc có truy tố những người vi phạm chính sách hay không.

Về chính sách thương mại và đầu tư, ông Trump nhấn mạnh sẽ tiếp tục chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của mình, trong đó có kế hoạch áp đặt thuế 10% với hàng nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ.

Kế hoạch này được dự báo sẽ gây ra một làn sóng gián đoạn mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Động thái này sẽ gây áp lực buộc các đồng minh của Mỹ – bao bao gồm Canada, Mexico và thậm chí cả Nhật Bản – ngồi vào bàn đàm phán. Đây là chiến thuật ông Trump thường dùng trong nhiệm kỳ trước của ông.

Về chính sách thuế, ông Trump có kế hoạch áp dụng vĩnh viễn chương trình giảm thuế thu nhập cá nhân mà ông ban hành trong nhiệm kỳ của mình. Dự kiến hết hạn vào năm 2025, chương trình này chủ yếu làm lợi cho các hộ gia đình giàu có, chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và chủ sở hữu bất động sản. Với doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ trước, chính quyền của ông Trump và Quốc hội đã quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tranh luận ngày 27/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tranh luận ngày 27/6. Ảnh: Reuters.

Nguồn tin thân cận với chương trình nghị sự của ông Trump cho biết nhằm giành sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu và lao động, ông Trump sẽ không tìm cách hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 15% như mục tiêu đặt ra hồi đầu nhiệm kỳ của mình nữa.

Về chính sách tài khóa, ông Trump không có quan điểm “thắt lưng buộc bụng”. Chương trình giảm thuế năm 2017 của ông đã khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng vọt. Bên cạnh đó, vị cựu tổng thống cũng không đưa ra chính sách nào ảnh hưởng tới chương trình an sinh xã hội và Medicare – hai trong số những chương trình lớn nhất gây tăng thâm hụt ngân sách dài hạn ở Mỹ. Thay vào đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết kiểm soát “chi tiêu quá mức của chính phủ” vào chương trình viện trợ nước ngoài, tài trợ khí hậu, nhập cư và một số lĩnh vực khác. Ông cũng nhấn mạnh lập trường cô lập khi tuyên bố sẽ tiết kiệm ngân sách bằng nhiều biện pháp, trong đó bao gồm việc không để Mỹ liên quan tới các cuộc xung đột tốn kém ở nước ngoài như chiến tranh ở Ukraine.

Về chính sách khí hậu, ông Trump dự kiến đảo ngược các chính sách khí hậu của ông Biden qua một loạt biện pháp gồm hủy bỏ các quy định như tiết kiệm nhiên liệu và tiêu chuẩn khí thải. Ông cũng sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu – động thái ông từng thực hiện khi còn đương chức.

Về chính sách năng lượng, ông Trump cam kết, nếu tái đắc cử, sẽ loại bỏ mọi rào cản để thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí tại Mỹ. Ông cũng hứa sẽ đẩy nhanh việc cấp phép cho các đường ống khí tự nhiên vào vùng đá phiến Marcellus – trải dài trên ba bang Pennsylvania, New York, và Ohio. Một ưu tiên nữa trong chương trình nghị sự của ông Trump là loại bỏ các chính sách thúc đẩy Mỹ chuyển đổi sang xe điện và năng lượng sạch.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/duoc-huong-quyen-mien-tru-truy-to-ong-trump-thang-lon-248981.htm
Zalo