Dựng mái ấm mới ở vùng khó
Thực hiện mục tiêu không còn nhà tạm, nhà dột nát, đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đặc biệt tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sau sáp nhập đơn vị hành chính, thể hiện quyết tâm của chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Gia đình ông Lý Văn Hướng, ở tổ 6, xã Na Rì, đang hoàn thiện căn nhà mới.
Gia đình anh Hoàng Đình Quang, ở tổ 9, xã Na Rì, những ngày này rộn ràng chuẩn bị vào nhà mới. Đây là mơ ước của hai vợ chồng từ lâu nay nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Được hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm, anh Quang quyết định vay mượn thêm, bỏ công làm để có được một tổ ấm khang trang, kiên cố hơn. Không khí vui tươi hiện rõ trên từng khuôn mặt.
Người thân trong gia đình trang trí nhà cửa, chuẩn bị bát đĩa, những người ở xa cũng về chúc mừng. Căn nhà mới không chỉ là sự thay đổi về nơi ở mà còn mở ra một khởi đầu mới, vững chãi hơn cho tương lai. Anh Quang tâm sự: Sự hỗ trợ của các cấp, ngành giúp tôi thêm quyết tâm thực hiện. Có căn nhà mới rồi, cả gia đình sẽ tập trung vào phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Theo thống kê, toàn xã Na Rì có 146 hộ thực hiện chương trình xóa nhà tạm. Trong đó, 43 nhà đã hoàn thiện, 89 nhà đang triển khai xây dựng và 13 nhà chưa khởi công. Áp lực thời gian lớn, tinh thần vào cuộc của chính quyền và người dân đang rất khẩn trương.
Bà Nông Thị Anh Thơ, Chủ tịch UBND xã Na Rì, cho biết: Sau khi thực hiện sáp nhập xã và vận hành chính quyền theo mô hình mới, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, tiếp tục cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, động viên các hộ dân khởi công, hoàn thiện, cam kết hoàn thành đúng tiến độ.

Gia đình ông Hoàng Văn Thái, ở xã Chợ Rã, đang xây dựng căn nhà mới.
Tại xã Phủ Thông, công tác xóa nhà tạm cũng đang được triển khai đồng bộ. Toàn xã có 82 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó 60 hộ đã hoàn thành và chi trả kinh phí, hiện còn 18 hộ đang xây dựng và 4 hộ chưa khởi công. Chính quyền xã phân công cán bộ phụ trách từng hộ, hỗ trợ về vật liệu, nhân công và thường xuyên đôn đốc tiến độ.
Ông Nông Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND xã Phủ Thông, cho biết: UBND xã đã họp và xây dựng kế hoạch cụ thể, lồng ghép với nội dung phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo tiến độ xóa nhà tạm như cam kết.
Với nhiều hộ dân vùng sâu, nhà mới không chỉ là mái che nắng mưa mà còn là biểu tượng cho sự thay đổi. Nhiều gia đình tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh thi công, tiết kiệm chi phí bằng cách tự bỏ công, huy động người thân cùng làm.
“Mặc dù giá vật liệu xây dựng tăng, nhưng vợ chồng tôi chủ động cùng tham gia thực hiện một số phần việc nên tiết kiệm đáng kể chi phí làm nhà mới” - ông Lý Văn Hướng, ở tổ 6, xã Na Rì, chia sẻ.
Niềm vui của gia đình anh Quang, ông Hướng sẽ còn tiếp tục lan tỏa đến hàng trăm hộ dân khác trong thời gian tới. Với sự đồng hành sát sao của chính quyền các cấp, tiến độ xóa nhà tạm không chỉ là những con số thống kê mà khẳng định hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề cho người dân an cư, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững.