Dùng hóa đơn điện tử, nhiều lợi ích thiết thực
Từ ngày 1-6-2025, nhiều quy định mới về hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là hóa đơn điện tử đã được triển khai rộng rãi trên cả nước. Đây không chỉ là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, mà còn là một trong những bước đi quan trọng của tiến trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần tăng cường tính minh bạch, công khai và công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như trong công tác quản lý thuế.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Về phía doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ; tiết kiệm thời gian lập và gửi hóa đơn, giúp tăng hiệu quả công việc, nhất là trong môi trường kinh doanh hiện đại, tốc độ cao. Về phía người tiêu dùng có thể kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn, từ đó đảm bảo quyền lợi khi cần khiếu nại, bảo hành hoặc khấu trừ thuế (đối với doanh nghiệp). Về phía cơ quan quản lý, hóa đơn điện tử giúp theo dõi, kiểm soát nguồn thu thuế kịp thời, hạn chế gian lận, trốn thuế; cũng như ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, “bắt tay” giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, hộ kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn tâm lý e ngại, thậm chí lo lắng trước quy định mới do còn chưa quen với thao tác công nghệ; ngại bỏ tiền chi phí đầu tư ban đầu cho thiết bị, phần mềm và lo sợ việc minh bạch hóa doanh thu sẽ dẫn đến tăng nghĩa vụ thuế, ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà bỏ qua những lợi ích thiết thực mà hóa đơn điện tử mang lại…
Để các hộ kinh doanh hiểu đầy đủ, thực hiện đúng các quy định mới về hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là hóa đơn điện tử, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để các hộ kinh doanh hiểu việc thực hiện đúng quy định về hóa đơn, chứng từ, trong đó có hóa đơn điện tử, chính là trách nhiệm, là quyền lợi của mỗi cá nhân, tổ chức. Quy định về hóa đơn điện tử là công cụ giúp họ quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh, hạn chế rủi ro pháp lý. Đồng thời, các cơ quan thuế cần đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, giải thích minh bạch chính sách, tạo niềm tin nơi người dân, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại; cũng như xây dựng một nền kinh tế số phát triển, lành mạnh và bền vững, vì sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.