Đừng đưa bão gió về…
Thấy mùa Hè là bà ngoại lại ca cẩm với chúng tôi rằng giông bão sắp đến.

Chỉ mong năm nay bớt bão, bớt mưa. Ảnh minh họa: ITN.
Rồi bà lọm cọm ra bờ ruộng phía trước nhà kiếm cỏ gừng đếm ngấn. Theo như cách tính của bà, cỏ ấy có bao nhiêu ngấn là năm đó có bấy nhiêu cơn bão. Thêm nữa, ngấn nào khắc sâu là cơn bão đó sẽ lớn. “Kinh nghiệm các cụ dạy vậy, không phải nói chơi đâu”, bà thủ thỉ.
Mùa Hè trên dải đất hình chữ S của chúng tôi ít có sự ôn hòa, khi nắng thì như thiêu như đốt, khi mát thì đi ngủ khỏi cần bật quạt còn những khi giông bão đã nổi lên thì chao ôi đùng đùng chớp lóe, sấm vang dội. Nhất là sẽ không thể thiếu “đặc sản” bão, năm nào cũng thi nhau đổ bộ vào đất liền. Các nhà khoa học quốc tế thường đặt cho mỗi trận bão một cái tên riêng bằng tiếng Anh nghe thật “kêu”.
Nhưng ở Việt Nam, tất cả được đơn giản hóa gọi theo số thứ tự xuất hiện. Cho dù cơn bão đó có mạnh đến đâu, có là siêu bão hay gì đi chăng nữa thì vẫn luôn là những vị khách không mời mà đến và mang cái tên là các số đếm như muôn thuở. Và thường thường trải dài suốt những tháng hè đổ bộ ở miền Bắc, miền Trung rồi đến mùa Thu lại vào phương Nam, tính ra mỗi năm dải đất hình chữ S phải hứng chịu đến hàng chục trận bão.
Mỗi cơn bão được mẹ thiên nhiên sinh ra khá đột ngột. Biển Đông đang lặng yên là thế nhưng đùng một cái bản tin dự báo thời tiết đã cảnh báo bão xuất hiện. Nếu cần nêu ra một dẫn chứng cho câu nói “lớn nhanh như thổi” thì có lẽ đây là trường hợp điển hình nhất. Khi bắt đầu hình thành là một áp thấp nhiệt đới, thế rồi chỉ sau vài ngày đã trở thành cơn bão lớn.
Không còn lừ đừ, thong thả như lúc ban đầu nữa mà nó tăng tốc chóng mặt cùng những bước đi khó lường. Đang đi thẳng, tưởng chừng sẽ đổ bộ vào miền Trung thì ngoắt một cái lại ghé thăm miền Bắc hoặc ngược lại. Thậm chí, nhiều khi, tôi cùng gia đình, làng xóm đã đinh ninh, sẵn sàng chuẩn bị mọi thứ để có thể “nghênh đón” thì nó lại bất ngờ “quay xe” đánh võng ra biển. Vì thế, dù vẫn biết hè đến là bão về nhưng nó hay gây bất ngờ vì cái tính “đỏng đảnh” khó đoán.
Hồi còn nhỏ, tôi luôn nghĩ rằng trận bão tới đây sẽ đổ bộ đất liền thường thì trời sẽ âm u cả tuần, sấm chớp đì đùng mãi không dứt. Và tôi cũng đã hình dung bão giống như một con quái vật vậy, đi đến đâu là “hắc khí” tỏa ra đến đấy, bao phủ cả vùng trời.
Thế nhưng, sau này lớn lên tôi mới biết, dấu hiệu mỗi khi bão chuẩn bị ghé thăm lại là bầu trời xanh ngằn ngặt và nắng chói chang. Kèm theo đó là cảm giác oi bức, không một cơn gió bay qua, tưởng như ngộp thở. Sự trái ngược này xảy ra do bão lùi lũi tiến vào và thu hết gió về, đúng kiểu “góp gió thành bão”.
Hà Nội thường ít phải chịu tâm bão đi qua mà chỉ bị ảnh hưởng chút mưa gió, thậm chí sau những ngày nắng nóng ngột ngạt thì mưa bão lại trở thành mưa giải nhiệt cho những khối bê tông khát nước.
Đối với tôi, chẳng có gì thú vị bằng việc mở hé cửa sổ trong nhà (để tránh mưa hắt), đón những luồng khí mát lạnh của mưa. Tuy mưa của bão thường rất mạnh và đi kèm với gió giật nhưng khi bão tan rồi, bầu không khí thật dễ chịu. So với cái mát của điều hòa thì cái mát mà bão đem lại luôn khiến tôi nhớ và ấn tượng mãi.
Trong những làn gió đó luôn có mùi ngai ngái của đất, mùi thanh thanh của trời. Hít một hơi thật sâu, tôi dường như cảm nhận bản thân được đắm chìm vào thiên nhiên. Và tất nhiên rồi, một người mê ngủ như tôi thì thấy chẳng gì tuyệt hơn một buổi tối giữa mùa Hè, quạt bật số nhỏ nhất thôi nhưng vẫn khiến tôi phải đắp lên mình tấm chăn mỏng.
Thế nhưng, đó chỉ là chút cảm nhận của một cậu nhóc may mắn sống ở nơi gần như không phải trực tiếp đón tâm bão. Còn đối với bao nhiêu người ở những vùng đất khác, mỗi lần bão tràn về là một lần họ phải chống chọi với “tập đoàn” mưa to, gió lớn, có thể nhấn chìm tàu thuyền, gây ngập lụt, sạt lở đất và cả gây thương vong.
Đầu tiên là những dải đất ven biển, nhất là “eo” miền Trung luôn phải hứng chịu từng trận gió càn quét tới tấp, giật cấp 12, 13 thậm chí là 15. Cây cối, cột điện và cả những ngôi nhà chưa được xây cất kiên cố cũng chẳng thể trụ vững. Như mới năm ngoái, cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, bao nhiêu cây cối trong vườn nhà bà ngoại đều đổ rạp.
Lúc tâm bão chườm tới quê ngoại, mẹ tôi cứ thấp thỏm không yên. Liên lạc ngắt hoàn toàn lúc 4 giờ chiều hôm trước phải đến hơn ngày sau mới nối lại được nhờ dì tranh thủ tìm nguồn điện của máy phát để nhắn dòng tin: “Ở nhà an toàn”, rồi lại im lìm suốt những ngày sau...
Dù vào đến đất liền bão tan dần, nhưng kéo dài sau đó là những trận mưa như trút nước, phủ trắng cả một vùng. Không biết bao nhiêu thiệt hại về tài sản, thậm chí cả về người cứ liên tiếp báo về làm lòng người đau thắt. Thế nhưng, với tinh thần tương thân tương ái, cả nước cùng hướng về vùng bị ảnh hưởng bão lũ mà đùm bọc, sẻ chia. Biết bao câu chuyện nồng ấm tình người được ngợi ca. Nghĩa đồng bào được thắp sáng…
Năm nay, bà ngoại ốm nặng hồi đầu năm. Bà mới trở dậy, sức khỏe yếu đi nhiều nên chẳng thể kiếm cỏ gừng để dự báo về bão cho chúng tôi nghe. Có một bí mật này, lần nào bà cũng nói số cơn bão ít hơn so với số ngấn cỏ rồi thì thầm, chỉ ngần ấy là nhiều lắm rồi, nếu trời thương đừng đưa bão gió về…