Đừng để giấc mộng làm giàu biến thành ác mộng
Dưới vỏ bọc giám đốc công ty bất động sản, bị cáo Bùi Vĩnh Tuấn (39 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành cũ, nay là xã Long Thành) đã 'vẽ' ra các 'dự án ma' rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng trăm bị hại với số tiền lên đến hơn 117 tỷ đồng.

Bị cáo Bùi Vĩnh Tuấn tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Phạm Huệ
Với hành vi đó, ngày 16-7, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Tuấn mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời vừa ngăn chặn vừa kê biên gần 30 thửa đất của bị cáo để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại trong vụ án.
Lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Đứng trước phiên tòa xét xử, bị cáo Tuấn già đi trông thấy, mái tóc bạc trắng, cơ thể trông yếu ớt, có lúc không thể đứng lên được. Nhìn những bị hại ngồi kín phiên tòa xét xử, trong đó có cả những người rất thân quen, bị cáo Tuấn bật khóc vì hối hận, chỉ vì vội vàng làm giàu sai cách đã đẩy bị cáo đến cảnh tù tội, đẩy nhiều gia đình vào cảnh điêu đứng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, để có tiền tiêu xài, từ năm 2017-2020, bị cáo Tuấn đã thành lập các công ty: Công ty CP Đầu tư xây dựng địa ốc Đại Tuấn Phát, Công ty CP Đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương, Công ty CP Tập đoàn Boss Land (cùng tại tỉnh Đồng Nai).
Với danh nghĩa Giám đốc các công ty này, bị cáo Tuấn đã mua lại các thửa đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm tại phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa cũ, nay là phường Tam Phước); xã An Phước (huyện Long Thành cũ, nay là xã An Phước). Sau đó, Tuấn thuê đơn vị thi công đường nhựa, phân ra nhiều nền có diện tích từ 100m2, tự lập các dự án trên các khu đất này khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép, rồi chỉ đạo nhân viên quảng cáo, rao bán dự án đất nền, cam kết đất ở và ra sổ riêng từng nền. Bằng thủ đoạn trên, Tuấn đã thành lập 4 dự án, thu tiền của nhiều bị hại, chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định, bị cáo có đầy đủ sức khỏe, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Đáng lẽ ra, bị cáo phải chịu khó lao động để tạo nguồn thu nhập chính đáng lo cho bản thân và gia đình, tu dưỡng đạo đức để trở thành công dân lương thiện, sống có ích cho xã hội. Thế nhưng, bị cáo chỉ vì muốn có tiền tiêu xài đã lợi dụng sự tin tưởng của các bị hại, đưa ra các thông tin gian dối, thực hiện các dự án khu dân cư, thảm nhựa trên đường đá nội bộ, trồng cây xanh, cột điện, làm vỉa hè phân lô bán đất nền và hứa hẹn trong vòng 6-12 tháng sẽ tách thửa ra sổ đỏ giao cho khách hàng; trong khi đó, những dự án khu dân cư mà bị cáo đưa ra chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, nhất thiết phải áp dụng một mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.
Hy vọng cho các bị hại
Trong phiên tòa xét xử, bị cáo Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cúi đầu xin lỗi các bị hại. Bị cáo cho rằng, với tài sản còn lại của bị cáo đã bị kê biên sẽ có khả năng trả lại được một phần tài sản cho các bị hại. Bị cáo mong Hội đồng Xét xử giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội làm lại cuộc đời và tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho các bị hại.
Hội đồng Xét xử nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của bị hại được Nhà nước bảo vệ, gây ảnh hưởng trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho quần chúng nhân dân. Bị cáo biết việc chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cần xử bị cáo thật nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài để cải tạo, phòng ngừa tội phạm chung.
Phiên tòa xét xử bị cáo Tuấn trong 3 ngày (từ ngày 14 đến 16-7) có hàng trăm bị hại đến tham dự. Sau phiên tòa xét xử, các bị hại ai nấy đều hy vọng có thể lấy lại được số tài sản đã bị Tuấn chiếm đoạt.
Kết thúc phiên tòa, vợ chồng ông T.L. (78 tuổi, ngụ phường Trảng Dài) từ lâu rồi mới nở một nụ cười vui vẻ. Ông L. cho biết, trong suốt 3 phiên tòa xét xử, vợ chồng ông đều đặn đến tham dự và không bỏ sót tình tiết nào.
Ông L. kể lại, vào năm 2020, ông quen biết bị cáo Tuấn và dần trở nên thân thiết. Sau đó, vì nghe lời bị cáo Tuấn, vợ chồng ông đã bán nhà để mua thửa đất thuộc khu dân cư Cát Tường (phường Tam Phước). Ngờ đâu, ông bà không chỉ mất toàn bộ tài sản tiết kiệm được, mà còn mất luôn căn nhà đang sinh sống.
“Sau phiên tòa xét xử, thấy cơ quan chức năng vẫn còn kê biên được nhiều tài sản của bị cáo Tuấn nên tôi vẫn hy vọng có thể lấy lại được tiền để có thể lo cho tuổi già của 2 vợ chồng” - ông T.L. bộc bạch.
Trong khi đó, anh N.N. sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ thì nay lại tìm thấy tia hy vọng có thể lấy lại được số tiền 800 triệu đồng đã bị mất. Anh N. cho hay, vợ chồng anh tích cóp, chắt chiu trong nhiều năm và vay mượn thêm của người thân mới có được số tiền 800 triệu đồng. Biết bị cáo Tuấn đã lâu và thấy gia đình bị cáo khá giả nên anh tin tưởng dốc toàn bộ tiền mua một thửa đất theo lời giới thiệu của bị cáo Tuấn và bị lừa.
“Từ khi biết mình bị lừa, cuộc sống gia đình tôi xáo trộn và rất lo lắng. Sau bản án tòa tuyên, tôi tin thời gian tới, gia đình mình có thể sớm lấy lại tiền bị lừa. Nếu lấy được số tiền này, tôi sẽ tìm hiểu thật kỹ về đất đai để mua được thửa đất đúng theo quy định pháp luật” - anh N.N. chia sẻ.
Phiên tòa khép lại với bản án nghiêm khắc dành cho bị cáo, nhưng những tổn thất về vật chất và tinh thần mà hàng trăm bị hại phải gánh chịu sẽ còn dai dẳng. Sự hối hận muộn màng tại phiên tòa không thể xóa mờ hậu quả của lòng tham và sự dối trá mà bị cáo gây ra. Vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh những ai nuôi mộng làm giàu bằng con đường bất chính, đồng thời là bài học đắt giá cho người dân khi tin nhầm người và thiếu tìm hiểu về dự án bất động sản.