Đứng dậy sau giông bão (3): Triệu trái tim cùng nhịp đập

Trong gian khó, chúng ta càng thấy rõ tình người luôn tỏa sáng. Sự đoàn kết, sẵn sàng hi sinh của các cán bộ y tế đã góp phần xoa dịu đi những nỗi đau của bão số 3 gây ra với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bệnh viện trung ương hội chẩn ngày đêm hỗ trợ y tế tuyến dưới

Là một trong nhiều trường hợp bị thương nặng trong trận lũ quét tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), bệnh nhi Hoàng Gia B. (7 tuổi) được điều trị tại Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức.

Chị Hoàng Thị Đàn - bác ruột của B. cho hay, nhờ sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, sức khỏe cháu B. tốt dần lên, con đã ăn được và tâm lý dần ổn định.

Chị Đàn kể, gia đình B. có 4 người, lũ quét cướp đi cha mẹ của em. Giờ cậu bé 7 tuổi là trẻ mồ côi. B. chỉ còn lại người anh trai may mắn thoát nạn do đang theo học tại trường nội trú.

Khi cháu B. được người dân cứu sống, đưa đến BVĐK huyện Bảo Yên, do bị thương rất nặng, các bác sĩ đã chuyển cháu lên BVĐK tỉnh Lào Cai. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ của BV Hữu nghị Việt Đức, con được chuyển lên Việt Đức để điều trị.

Sức khỏe của cháu B. đang điều trị tại BV Hữu nghị Việt Đức, đang được tốt dần lên mỗi ngày.

Sức khỏe của cháu B. đang điều trị tại BV Hữu nghị Việt Đức, đang được tốt dần lên mỗi ngày.

Nhớ về tình trạng của bệnh nhi khi được chuyển đến bệnh viện, PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hoa – Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, khi được đưa đến BVĐK tỉnh Lào Cai, cháu bị đa chấn thương ở gan, bụng, thận, tuyến thượng thận, gãy xương đùi, có vết thương ở đầu và mặt. Trong đó, vết thương hở tại sọ não được chẩn đoán là nặng nhất và nhiễm trùng.

Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn tử xa giữa các bác sĩ của BVĐK tỉnh Lào Cai và BV Hữu nghị Việt Đức được thiết lập. Sau khi hội ý, các bác sĩ đã quyết định cần đưa cháu B. về BV Hữu nghị Việt Đức điều trị.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn liên chuyên khoa, liên viện và đi đến quyết định cần phẫu thuật cho bệnh nhi.

Với nỗ lực của cả ê kíp, sau 5 giờ đồng hồ ca phẫu thuật thành công, cháu B. được chuyển về khoa tiếp tục theo dõi tích cực. Đến nay tình hình sức khỏe của cháu B. đã ngày một tốt lên.

PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho cháu B.

PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho cháu B.

"Tình trạng sức khỏe của B. đang dần ổn định, cháu có thể ngồi chơi được, hoàn toàn tỉnh táo, ăn được. Chúng tôi tiên lượng và hi vọng các vết thương của cháu sẽ hồi phục dần dần và sớm được xuất viện", PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hoa vui mừng nói.

Không chỉ riêng trường hợp của cháu B., cầu truyền hình trực tuyến của BV Hữu nghị Việt Đức luôn được mở 24/24 giờ. Khi bệnh viện tuyến dưới gặp ca bệnh khó, nặng cần được tư vấn và hướng dẫn, đội ngũ chuyên gia y tế của BV Hữu nghị Việt Đức luôn sẵn sàng, không kể ngày đêm để hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn.

"Bệnh nhân ở khu vực bão lũ tại các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai…, buổi sáng ngoài giao ban chung sẽ có những giao ban riêng, sức khỏe của từng bệnh nhân được cập nhật cụ thể", PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hoa cho hay.

Tập trung cao nhất mọi nguồn lực

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm, động viên bệnh nhi Thảo Ng. – nạn nhân của vụ lũ quét thôn Làng Nủ đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm, động viên bệnh nhi Thảo Ng. – nạn nhân của vụ lũ quét thôn Làng Nủ đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 12/9, Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhi người Mông, Hoàng Thảo Ng. (nữ, 11 tuổi), dân tộc Tày - nạn nhân trong trận lũ quét tại thôn Làng Nủ.

Khi vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do đuối nước và hít bùn đất, biến chứng ARDS, đa chấn thương, gãy xương đòn phải, dập gan phải. Tổn thương phần mềm nhiều nơi. Theo dõi sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng có rối loạn đông máu, hội chứng tiêu cơ vân cấp...

Ngay trong sáng ngày cùng ngày, cuộc hội chẩn khẩn được tổ chức. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai chỉ đạo, cần tập trung cao nhất mọi nguồn lực để cữu chữa cho các nạn nhân trong vụ lũ quét tại Làng Nủ. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện thành lập nhóm chuyên trách theo dõi điều trị và cập nhật thường xuyên tin tức người bệnh để các chuyên gia đóng góp ý kiến liên tục. Tất các đơn vị, phòng ban của BV bạch Mai ngay lập tức tập trung nguồn lực cứu chữa người bệnh.

Không chỉ hội chẩn toàn viện, BV Bạch Mai đã mời chuyên gia quốc tế, GS.TS. Hashimoto, Chuyên gia hô hấp đến từ Khoa hô hấp, BV National Center for Global Health and Medicine Tokyo - Nhật Bản cùng tham dự.

Sau nhiều ngày, tình trạng phù nề và rối loạn đông máu của bệnh nhi Mông Hoàng Thảo Ng. giảm.

Không chỉ tính toán, xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhi, Giám đốc BV Bạch Mai đã chỉ đạo hỗ trợ vấn đề ăn, ở cho bố mẹ cháu bé. PGS.TS. Đào Xuân Cơ chia sẻ, gia đình bệnh nhi còn khó khăn cần tập trung nguồn lực và vật lực tốt nhất để cứu chữa, điều trị cho cháu bé. Đó là sự đóng góp thiết thực để giảm đi một phần đau thương mất mát cho người dân vùng lũ.

BV Bạch Mai tập trung cao nhất mọi nguồn lực để cữu chữa cho các nạn nhân đến từ vùng bão lũ. Ảnh: BVCC.

BV Bạch Mai tập trung cao nhất mọi nguồn lực để cữu chữa cho các nạn nhân đến từ vùng bão lũ. Ảnh: BVCC.

Trong những ngày xảy ra thiên tai, ngoài việc kêu gọi toàn thể cán bộ y bác sĩ, người lao động ủng hộ bằng vật chất, BV Bạch Mai cũng đã thành lập các tổ chuyên môn, đội cấp cứu để kịp thời hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác cứu chữa các nạn nhân, hội chẩn từ xa với các ca bệnh nặng, nguy cấp.

Tổ chức và cử các đoàn bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế tới tận nơi thiên tai, ứng cứu cho các địa phương, hỗ trợ vật lực, nhân lực, trực tiếp giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn của đồng nghiệp, đồng bào.

Tình người tỏa sáng

Cùng chung tinh thần hỗ trợ, tương thân tương ái, ngày 13/9/2024, 66 cán bộ, y bác sĩ của các TTYT thuộc tỉnh Bình Định đã vượt gần 1.000km, đem theo thuốc, máy móc thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường cho những nơi bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại 2 tỉnh Yên Bái và Thái Nguyên.

Nhân viên y tế tỉnh Bình Định di chuyển gần 1.000 km đến hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục sau bão lũ. Ảnh: BSCC.

Nhân viên y tế tỉnh Bình Định di chuyển gần 1.000 km đến hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục sau bão lũ. Ảnh: BSCC.

BS Trần Hữu Vinh – Giám đốc TTYT thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Đình Định, trưởng đoàn công tác hỗ trợ tại Yên Bái nói với PV Báo Sức khỏe và Đời sống: "Qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi biết Yên Bái thiệt hại nhiều, nhưng đến tận nơi chứng kiến mới thấu hiểu khó khăn của ngành y tế cũng như người dân. Khi chúng tôi đến TP. Yên Bái, vô vàn những đống bùn dày quá đầu gối…".

Trong khó khăn ta dễ được gặp tình người tỏa sáng, mỗi người 1 việc, đoàn công tác của tỉnh Bình Định đã góp phần lớn cho tỉnh Bái sớm vượt qua giông bão.

Cán bộ y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái dọn dẹp sau lũ. Ảnh: BSCC.

Cán bộ y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái dọn dẹp sau lũ. Ảnh: BSCC.

Ngay sau khi bão số 3 đi qua, lãnh đạo ngành Y tế đã trực tiếp tới thăm và trao quà cho người dân. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn công tác đã đến xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trao quà cho người dân nơi đây. Những tấm lòng của các nhà hảo tâm thông qua Báo Sức khỏe và Đời sống đã được trao đến tận tay bà con nhân dân xã Việt Thành, 12 đơn vị cơ sở y tế và 1 trường mầm non bị thiệt hại với tổng giá trị hỗ trợ là 1,8 tỷ đồng.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau lũ trách nhiệm của ngành y tế rất cao, phải hướng dẫn bà con làm tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn nước sạch và phòng, chống dịch bệnh sau lũ như các bệnh về da, nấm, rối loạn tiêu hóa, đau mắt hoặc bệnh gan…

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định Bộ Y tế đã, đang và sẽ đồng hành với các tỉnh, thành phố để luôn bảo đảm tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là với Yên Bái - nơi chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ảnh trên, thứ 4 từ trái sang); Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận (áo trắng, đứng thứ ba từ trái sang) thăm hỏi, động viên và trao quà cho người dân, bệnh nhân tại các tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng sau cơn bão số 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ảnh trên, thứ 4 từ trái sang); Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận (áo trắng, đứng thứ ba từ trái sang) thăm hỏi, động viên và trao quà cho người dân, bệnh nhân tại các tỉnh miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng sau cơn bão số 3.

Tại 3 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đoàn công tác cũng đã trao các phần quà bằng tiền và hiện vật có tổng giá trị nhiều tỷ đồng ở mỗi địa phương. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận ngành Y tế tỉnh 3 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Các đơn vị đã có nhiều biện pháp chủ động để bảo đảm an toàn về người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn mong 3 tỉnh sẽ sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Với những người làm báo ngành Y tế, tận mắt chứng kiến vất vả của các thầy thuốc cơ sở ở các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ, chúng tôi cảm phục và trân trọng họ. Nhà cửa, đồ đạc, vật dụng gia đình của nhiều thầy thuốc bị lũ cuốn trôi. Nhưng họ "nhường" công việc dọn dẹp cho người thân để đến với nhân dân, nỗ lực dọn dẹp vệ sinh môi trường bệnh viện, sẵn sàng đón người bệnh đến điều trị đúng như lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bài viết: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát", trong đó có đoạn"... Bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; khẩn trương đưa học sinh tới trường và đưa các bệnh viện, cơ sở y tế vào hoạt động ngay trong tháng 9/2024..." đã được toàn ngành Y tế thực hiện nghiêm túc. Công tác khám, chữa bệnh được duy trì, không bị gián đoạn.

Nhà báo Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống trao quà cho những hộ dân gặp khó khăn sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

Nhà báo Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống trao quà cho những hộ dân gặp khó khăn sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

Những người làm Báo Sức khỏe và Đời sống chúng tôi cùng các nhà hảo tâm trong hành trình thiện nguyện của mình đã đóng góp sức người, vật chất đến với người dân, đồng nghiệp của mình. Những món quà nhỏ bé, chứa đựng nhiều tình cảm nồng ấm đã được trao tận tay nhân viên y tế và người dân với mong muốn đồng bào vùng lũ đứng dậy sau giông bão: "Lũ quét hết rồi, còn lại gì đâu. Chỉ còn tình người sẻ chia, sớm vượt qua khó khăn này…"

(HẾT)

Hồng Ngọc - Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-day-sau-giong-bao-3-trieu-trai-tim-cung-nhip-dap-169240929124741395.htm
Zalo