Đừng bóp nghẹt sáng tạo
'Cái này trước giờ vẫn làm thế rồi', 'Làm như cậu thì ai duyệt?', 'Cứ theo quy trình cũ là ổn nhất, an toàn nhất'... Đó là những câu nói tôi từng nghe không ít lần và cũng trực tiếp chứng kiến trong thực tế công tác.
Tôi nhớ có đồng đội trẻ đã dày công nghiên cứu một phần mềm nội bộ giúp quản lý thời gian huấn luyện hiệu quả hơn. Phần mềm ấy gọn nhẹ, dễ sử dụng, hoàn toàn có thể áp dụng ngay tại cấp đại đội. Thế nhưng, khi trình bày ý tưởng, cậu chỉ nhận được ánh mắt dè dặt cùng lời nhận xét: “Ý tưởng hay đấy, nhưng để triển khai thì phải chờ phê duyệt, rồi... xem lãnh đạo có đồng ý không”. Và rồi, ý tưởng ấy bị “đóng băng” trong ổ cứng máy tính. Điều khiến tôi chạnh lòng không phải chỉ vì phần mềm không được áp dụng mà bởi người bạn ấy bắt đầu chùn bước, với suy nghĩ: “Hay là cứ làm như cũ cho xong!”.

Ảnh minh họa: talentbold.com
Tôi tự hỏi: Nếu ai cũng ngại đổi mới, ai cũng chọn “làm như cũ cho chắc ăn”, thì lấy đâu ra “cách mạng số”? Lấy gì để khơi nguồn đổi mới sáng tạo? Những nghị quyết lớn như Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW... đâu chỉ dành riêng cho các viện nghiên cứu hay chuyên gia đầu ngành. Thực hiện nghị quyết ấy bắt đầu từ chính những người trẻ, từ những công việc thường ngày nhất trong từng cơ quan, đơn vị.
Tư duy cũ không sai, nhưng nếu nó trở thành rào cản cho những ý tưởng mới, nhất là của người trẻ, thì chính chúng ta đang tự kìm hãm sự phát triển. Bởi sáng tạo không nhất thiết phải là điều to tát, vĩ mô. Nó có thể bắt đầu từ một biểu mẫu tính toán dễ hiểu hơn, một cách tổ chức giờ học linh hoạt hơn, hay một ứng dụng nhỏ giúp tự động hóa công việc hằng ngày. Người trẻ chúng tôi không ngại bị góp ý, không ngại làm lại, chỉ sợ không được trao cơ hội thử nghiệm. Một sáng kiến dù chưa hoàn chỉnh vẫn có giá trị gợi mở. Một đề xuất chưa thể thực hiện hôm nay có thể trở thành tiền đề cho một đột phá ngày mai. Nhưng nếu ngay từ đầu đã bị gạt đi bằng những lý do mơ hồ như “lệch quy trình”, “sợ sai”, thì e rằng chúng ta đang làm thui chột sức sống của sự sáng tạo.
Tôi không cổ xúy cho tư duy tùy tiện hay làm việc cảm tính. Điều tôi muốn nhấn mạnh là: Đổi mới, sáng tạo cần được khích lệ, dẫn dắt và tạo điều kiện. Người trẻ cũng cần học cách kiên trì với điều mình tin là đúng. Nếu sáng kiến chưa được chấp nhận, đừng vội nản lòng. Hãy tiếp tục cải tiến, chứng minh giá trị bằng thực tế. Bởi mọi đổi mới đều cần thời gian và sự bền gan. Sáng tạo không thể nảy mầm trong nỗi sợ. Và đôi khi, nỗi sợ ấy không đến từ thiếu thốn vật chất hay thời gian nghiên cứu mà đến từ những lối mòn tư duy không chịu làm mới chính mình. Đừng để tư duy cũ bóp nghẹt những sáng tạo mới.