Đừng biến kỳ vọng thành gánh nặng với người trẻ

Những người trẻ ngày nay bị rất nhiều áp lực bủa vây. Họ không chỉ bị áp lực từ gia đình, sự kỳ vọng của xã hội, mà còn từ những áp lực tự tạo cho bản thân. Việc đặt ra những mục tiêu lớn, không ngừng cố gắng để đạt được chúng, đã khiến không ít người trẻ kiệt sức và rơi vào trạng thái lo âu kéo dài.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người trẻ ngày nay thường được truyền cảm hứng để "theo đuổi đam mê", "không ngừng hoàn thiện bản thân", "trở thành người hoàn hảo"... Những lời khích lệ này, dù mang ý nghĩa tích cực, lại vô tình tạo ra áp lực rất lớn với người trẻ. Nhiều người trẻ đặt ra mục tiêu phải đạt được thành tựu nổi bật để khẳng định giá trị bản thân.

Hoàng Yến, 27 tuổi, một nhân viên marketing tại TPHCM, chia sẻ: "Tôi luôn tự nhủ rằng đến năm 30 tuổi mình phải mua được nhà, đạt được vị trí quản lý và có một cuộc sống ổn định. Nhưng càng cố gắng, tôi càng cảm thấy kiệt sức. Nhiều đêm tôi mất ngủ vì lo lắng không biết mình có thể đạt được những điều đó hay không".

Đạt được mục tiêu năm 30 tuổi mua được nhà, Nguyễn Phương Huyền (trưởng nhóm tổ chức sự kiện, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tiếp tục đặt ra mục tiêu mới cho mình: Hai năm nữa mua ô tô.

Luôn đặt áp lực cho mình nên Phương Huyền phải cố gắng tới 150%-200% sức lực của mình. Cô bận rộn và thường xuyên thức đêm để làm việc. Làm một công việc đã kín thời gian vậy mà cô vẫn nhận thêm việc khác về làm nếu có cơ hội.

Phương Huyền cho biết, cô rất hay rơi vào tình trạng mệt mỏi, stress vì "nợ cũ chồng nợ mới". Việc đặt ra mục tiêu lớn không sai nhưng khi những mục tiêu đó thiếu tính thực tế, không đi kèm với kế hoạch cụ thể, không ít người trẻ dễ dàng rơi vào vòng xoáy của sự thất vọng và mệt mỏi.

Họ làm việc chăm chỉ hơn, hy sinh thời gian cá nhân nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Khánh Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một lập trình viên 25 tuổi, chia sẻ rằng cậu từng làm việc 12 tiếng mỗi ngày suốt một năm để đạt được mục tiêu thăng chức. Khi mục tiêu không thành, cậu rơi vào trạng thái trầm cảm và mất động lực làm việc.

"Tôi cảm thấy mình không đủ giỏi, rằng mình đang thụt lùi so với bạn bè đồng trang lứa. Áp lực này khiến tôi không muốn làm gì nữa".

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để vượt qua áp lực tự thân, người trẻ cần học cách đặt ra những mục tiêu thực tế và có tính linh hoạt. Việc biết hài lòng với những tiến bộ nhỏ trong quá trình phấn đấu cũng rất quan trọng.

Theo các chuyên gia, những người trẻ hãy hỏi bản thân liệu những mục tiêu bạn đặt ra có thực sự phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình không? Đừng ép mình phải đạt được tất cả trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, người trẻ nên chia sẻ cảm xúc và khó khăn của mình với bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý để giải tỏa bớt áp lực. Người trẻ cũng nên dành thời gian để thư giãn, tập thể dục, hoặc theo đuổi những sở thích cá nhân giúp cân bằng cuộc sống.

Đặc biệt, cần hiểu rằng thất bại không phải là dấu chấm hết, mà là một phần của sự trưởng thành. Đừng để kỳ vọng của bản thân trở thành gánh nặng khiến bạn đánh mất niềm vui sống.

Nga Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dung-bien-ky-vong-thanh-ganh-nang-voi-nguoi-tre-20241224113653203.htm
Zalo