Dùng AI tạo ảnh bị CSGT xử phạt: Trò đùa vui vẻ hay hành động đáng lên án?

Chỉ sau vài cú nhấp chuột, ai đó có thể trở thành đại gia trong bức ảnh bị CSGT lập biên bản, nhưng hậu quả không phải ai cũng lường trước được.

Các bức ảnh do AI tạo ra được người dùng đăng tải trên mạng xã hội

Các bức ảnh do AI tạo ra được người dùng đăng tải trên mạng xã hội

Trào lưu "sống ảo" với ảnh AI - từ vui vẻ đến tiềm ẩn nguy cơ

Thời gian gần đây, mạng xã hội Việt Nam rộ lên trào lưu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những bức ảnh giả cảnh bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên các công cụ AI như Gemini, ChatGPT hay Midjourney, người dùng dễ dàng tạo ra hình ảnh mình đứng cạnh xe sang, diện trang phục hàng hiệu, “tạo dáng thần thái” trong lúc bị CSGT lập biên bản.

Điểm chung của những bức ảnh này là sự xuất hiện của biển số xe đẹp, các chi tiết chân thực đến mức nhiều người lầm tưởng là thật. Một số người nổi tiếng như Á hậu Lê Phương Thảo cũng tham gia trào lưu này, đăng tải hình ảnh cùng chú thích hài hước như “vượt đèn đỏ bị bắt ngay”, “bị phạt mà vẫn phải thần thái”.

 Các tấm ảnh do AI tạo ra được người dùng chia sẻ trên TikTok

Các tấm ảnh do AI tạo ra được người dùng chia sẻ trên TikTok

Không ít người xem đây là trò đùa vô hại, cách để “sống ảo”, thu hút tương tác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trào lưu này nhanh chóng gây tranh cãi, khi nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng hình ảnh lực lượng chức năng vào mục đích giải trí là phản cảm, thậm chí có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Hệ lụy pháp lý và đạo đức

Chia sẻ với VietTimes, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Inteco, nói rằng việc sử dụng AI để tạo hình ảnh và đăng lên mạng xã hội không bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi sử dụng những hình ảnh đó để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín người khác, xâm phạm lợi ích Nhà nước thì có thể bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật. Hình thức xử phạt của pháp luật tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra, cũng như động cơ mục đích của người thực hiện hành vi.

 Luật sư Hà Huy Phong

Luật sư Hà Huy Phong

Đã có trường hợp bị xử phạt hành chính vì đăng tải video AI giả mạo cảnh sát giao thông, xúc phạm lực lượng chức năng. Ngày 24-1, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, công an tỉnh Điện Biên đã ra quyết định xử phạt T.V.T. số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi sử dụng AI, đăng tải video không có thật, xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông.

Mặc dù mục đích chỉ là “đu trend”, tò mò hay giải trí, việc lan truyền hình ảnh giả mạo có thể gây hiểu nhầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan thực thi pháp luật và tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, các hình ảnh này còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra nhận thức sai lệch trong cộng đồng, khiến nhiều người nghĩ rằng có những đại gia, phú bà không sợ pháp luật, hoặc lực lượng chức năng dễ dãi, thiếu nghiêm minh.

Luật sư khuyến nghị người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, không nên chạy theo trào lưu “sống ảo” mà bất chấp hậu quả. Việc tận dụng AI nên hướng đến mục đích tích cực, sáng tạo, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, tránh vi phạm pháp luật.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dung-ai-tao-anh-bi-csgt-xu-phat-tro-dua-vui-ve-hay-hanh-dong-dang-len-an-post187488.html
Zalo