Đưa thương mại điện tử thành đòn bẩy tăng trưởng bền vững

Theo đại diện eComDX, để thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành đòn bẩy tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ dựa vào nền tảng sẵn có.

Triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đã tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam, với nhiều chương trình hành động cụ thể.

Các trọng tâm chính bao gồm hoàn thiện thể chế và xây dựng chính sách để tạo môi trường pháp lý thuận lợi; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và cộng đồng bằng các chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hạ tầng và công nghệ với các giải pháp thanh toán không tiền mặt; logistics thông minh và AI; cùng với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và TMĐT xuyên biên giới nhằm tìm kiếm và mở rộng kênh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thời gian tới, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của thương mại điện tử. Một trong những sự kiện nổi bật là Diễn đàn Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số Việt Nam 2025, diễn ra từ ngày 4/9 đến ngày 6/9 tại TP.HCM, trong khuôn khổ triển lãm và sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Vietnam International Sourcing 2025.

Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ là cầu nối quan trọng, tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ số từ nhiều quốc gia để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và định hướng các giải pháp đột phá cho sự phát triển của TMĐT và kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào 4 lĩnh vực chính bao gồm: Thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới, vận hành TMĐT; logistics; giải pháp công nghệ số cho doanh nghiệp; giải pháp tài chính số.

Với sự phối hợp của hơn 60 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, diễn đàn dự kiến sẽ đón trên 300 đoàn doanh nghiệp quốc tế đến từ nhiều quốc gia. Các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhập khẩu hàng hóa và kết nối đầu tư.

Đặc biệt, diễn đàn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt giao thương trực tiếp với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới, logistics và chuyển giao công nghệ số. Sự hiện diện của đông đảo nhà mua hàng và nhà đầu tư quốc tế hứa hẹn mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Diễn đàn Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số Việt Nam 2025 sẽ được tổ chức đầu tháng 9/2025 được kỳ vọng là cầu nối quan trọng để chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cùng định hướng giải pháp đột phá cho thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam.

Diễn đàn Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số Việt Nam 2025 sẽ được tổ chức đầu tháng 9/2025 được kỳ vọng là cầu nối quan trọng để chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cùng định hướng giải pháp đột phá cho thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số - eComDX thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhấn mạnh: Thương mại điện tử toàn cầu không đơn thuần là mở gian hàng mà là cuộc chơi đòi hỏi tư duy từng bước làm chủ chuỗi giá trị số.

“Để thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành đòn bẩy tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ dựa vào nền tảng sẵn có. Hiện nay không ít doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay dừng lại ở việc đưa hàng lên sàn mà thiếu chiến lược bài bản về xây dựng cơ sở dữ liệu, vận hành, marketing và dịch vụ hậu mãi xuyên biên giới”, ông Bùi Huy Hoàng nhận xét.

Từ kinh nghiệm triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Bùi Huy Hoàng cho biết nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi bước vào TMĐT quốc tế thường gặp khó khăn về tối ưu vận hành logistics quốc tế, quản trị đơn hàng đa thị trường, và đặc biệt là thiếu dữ liệu về hành vi tiêu dùng từng quốc gia, khu vực hay thị trường cụ thể. Việc thiếu các công cụ đo lường và phân tích chuyên sâu khiến họ dễ bị động trong cạnh tranh.

Do đó, đại diện eComDX cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ xây dựng năng lực nội tại để tự điều phối, tối ưu và đo lường hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thay vì chỉ “tham gia” mà không “làm chủ”.

Với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện tại có nhiều đối tác vận hành thương mại điện tử quốc tế đã và đang làm việc với eComDX để trao đổi thí điểm các mô hình xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử, đồng thời từng bước mở rộng phạm vi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Các doanh nghiệp quan tâm đến việc tham gia, tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc cần được tư vấn chuyên sâu có thể đăng ký với Ban tổ chức Diễn đàn Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số 2025 tại địa chỉ: go.ecomdx.com/dangkyDN để nhận được hỗ trợ chi tiết và tối ưu hóa lợi ích từ sự kiện.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dua-thuong-mai-dien-tu-thanh-don-bay-tang-truong-ben-vung-2423998.html
Zalo