Đưa phở Việt Nam trở thành biểu tượng ẩm thực toàn cầu

Tọa đàm 'Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Phở Hà Nội' được tổ chức ngày 1-12, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia ẩm thực, các nghệ nhân, nhà quản lý… đã chia sẻ nhiều câu chuyện về nguồn gốc, sự phát triển và lan tỏa của phở Hà Nội trong đời sống.

Nâng tầm di sản

Phở Hà Nội, một món ăn truyền thống đã ghi dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Việt Nam, được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo TS Lê Thị Minh Lý, phở không chỉ là món ăn mà còn là sự kết hợp tinh tế của nguyên liệu, gia vị và cách thức chế biến, qua đó tạo nên một giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng cho Hà Nội. Điều quan trọng là món phở phải được gìn giữ nguyên vẹn, không bị thương mại hóa hay biến tấu thành món ăn khác. Các chủ thể trong việc chế biến phở, như các nghệ nhân, phải duy trì truyền thống, đồng thời thể hiện sự chia sẻ, hiếu khách, và đóng góp vào sự phát triển cộng đồng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết, khi tiếp các vị khách quốc tế, lãnh đạo cấp cao của các nước thưởng thức phở, họ đã rất bất ngờ với món ăn này. Họ đánh giá món ăn này là một sự kết hợp hoàn hảo. Ẩm thực Phở Hà Nội rất đặc sắc, và đánh giá món phở là một món ăn sáng tạo của Việt Nam, sự kết hợp các loại gia vị Việt hài hòa, tinh tế. Khi đến tất cả các nơi trên thế giới, các thực khách rất thích thưởng thức món phở bò. Phở bò đã trở thành quốc hồn quốc túy của Việt Nam.

 Các diễn giả tại tọa đàm

Các diễn giả tại tọa đàm

Phở là một biểu tượng văn hóa

Cũng có những ý kiến cho rằng, Phở Hà Nội không chỉ là món ăn đặc sản của Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa. Bà Bùi Thị Sương, một nghệ nhân nổi tiếng, chia sẻ, Phở Hà Nội đã trở thành món ăn được yêu thích trên toàn thế giới, mang lại niềm tự hào cho người Việt. Món phở, với sự phát triển không ngừng, đã khẳng định được vị trí của mình trong nền ẩm thực quốc tế. Bà Sương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giới thiệu phở ra thế giới, để người dân có thể thưởng thức món ăn này ở những nơi xa xôi như châu Âu và châu Á.

Tại tọa đàm, các chuyên gia và nghệ nhân đều khẳng định, việc ghi danh Phở Hà Nội không chỉ là sự công nhận giá trị văn hóa của một món ăn mà còn là cơ hội để quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Phở Hà Nội không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn là niềm tự hào dân tộc, một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam.

 TS Lê Thị Minh Lý mong UNESCO sẽ đưa phở vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại

TS Lê Thị Minh Lý mong UNESCO sẽ đưa phở vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại

TS Lê Thị Minh Lý bày tỏ hy vọng các chủ thể sẽ giữ gìn được danh hiệu và uy tín của các cửa hàng phở. “Tôi cũng từng xếp hàng ở quận 13, Paris, để thưởng thức phở, hay tại sân bay Incheon, Hàn Quốc cũng có những quán phở. Di sản này đã mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng… Tôi mong UNESCO sẽ đưa phở vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”, TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ. Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu này, vẫn còn rất nhiều công việc phải làm, và điều đó đòi hỏi sự cố gắng không chỉ từ các nhà nghiên cứu mà còn từ chính quyền và các chủ thể, để sớm biến điều này thành hiện thực.

Chung tay gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, cho biết với mong muốn kết nối cộng đồng, giúp du khách và các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận thông tin về phở, chuyên mục "Tinh hoa ẩm thực Hà Nội" từ ngày 1-12 sẽ được mở, nhằm tôn vinh di sản này và kết nối các nghệ nhân phở.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dua-pho-viet-nam-tro-thanh-bieu-tuong-am-thuc-toan-cau-post770915.html
Zalo