Đưa hàng Việt đến với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc

Các Phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc do Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn tổ chức đã từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng hàng hóa, giúp người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam.

 Người dân Bắc Kạn được tiếp cận, tiêu dùng những hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất

Người dân Bắc Kạn được tiếp cận, tiêu dùng những hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất

Phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc do Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn tổ chức là một trong những hoạt động triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn.

Tại 02 phiên chợ hàng Việt vừa được tổ chức tại huyện Na Rì và huyện Ngân Sơn trong tháng 11/2024, người dân được tiếp cận, tiêu dùng những hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; xây dựng văn hóa tiêu dùng và tôn vinh thương hiệu hàng Việt Nam; gắn kết doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiêu biểu là: các sản phẩm OCOP của huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, Na Rì (Bắc Kạn); sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa; sản phẩm đúc rèn, các nông cụ cầm tay, lạp sườn, thịt lợn xông khói Cao Bằng; một số sữa và các sản phẩm từ sữa của Thành phố Hà Nội…

Bắc Kạn thực hiện hiệu quả các hoạt động đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc

Bắc Kạn thực hiện hiệu quả các hoạt động đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, cho biết, việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nhận được sự hưởng ứng của đa số người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt. Người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng hàng hóa, ngày càng tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam, hàng do các doanh nghiệp, hợp tác xã Bắc Kạn sản xuất. Cùng đó, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn ngày càng nâng cao trách nhiệm trong việc mở rộng thị trường, sản xuất và cung ứng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất.

Giai đoạn 2021 - 2025, thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chiếm trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử…) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa,…). Trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phong trào này.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dua-hang-viet-den-voi-mien-nui-vung-sau-vung-xa-vung-dong-bao-dan-toc-20241121143548124.htm
Zalo