Đưa chanh leo, chuối, dứa, dừa...vào nhóm xuất khẩu 'tỷ đô'

Sau sầu triêng, nhóm cây ăn quả chanh leo, chuối, dứa, dừa đang sở hữu tiềm năng lớn để phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Tại diễn đàn "Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: chanh leo, chuối, dứa, dừa" do Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức, ông Nguyễn Như Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, sầu riêng và thanh long - 2 mặt hàng từng dẫn dắt xuất khẩu trái cây Việt đang có dấu hiệu chững lại.

Nếu như sầu riêng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ngắn hạn, thì rủi ro thị trường Trung Quốc ngày càng rõ nét với các chính sách kiểm soát chặt chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, với kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024 sầu riêng là trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô". Còn thanh long từng đạt mốc hơn 1 tỷ USD thì nay đã giảm hơn một nửa giá trị xuất khẩu so với giai đoạn đỉnh cao.

 Đưa chanh leo, chuối, dứa, dừa...vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô".

Đưa chanh leo, chuối, dứa, dừa...vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô".

Năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1,28 triệu ha trong đó tổng diện tích canh tác 4 loại trái cây chuối, chanh leo, dứa và dừa hiện đạt khoảng 420.000 ha với sản lượng trên 6,3 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 loại trái cây này mới đạt con số 1,752 tỷ USD. Có năng lực cạnh tranh, sản xuất và nhu cầu thị trường tiềm năng, do đó, từ góc độ Nhà nước, hợp tác xã, người trồng… còn rất nhiều việc phải làm để đưa các mặt hàng này lên tầm tỷ đô, có thể là vào năm 2026 hoặc 2027.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng, với chanh leo, Việt Nam hiện đạt sản lượng khoảng 163.000 tấn mỗi năm, chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên. Mục tiêu đến năm 2030 là nâng lên 300.000 tấn, trong đó vùng trọng điểm phát triển là Lâm Đồng, Gia Lai.

Với dứa, Việt Nam hiện có sản lượng khoảng 860.000 tấn, chủ yếu trồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Định hướng đến năm 2030 là đạt gần 1 triệu tấn, thông qua mở rộng diện tích và chuyển đổi sang trồng rải vụ để phục vụ chế biến và xuất khẩu trái vụ.

Chuối hiện đạt sản lượng khoảng 3 triệu tấn mỗi năm và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Định hướng của ngành là giữ vững và mở rộng thị phần bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì và xây dựng thương hiệu riêng cho chuối Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Dừa là loại trái cây có diện tích lớn nhất cả nước với khoảng 202.000ha, sản lượng đạt 2,28 triệu tấn mỗi năm, phần lớn tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Tới năm 2030, ngành dừa sẽ tập trung chuyển sang chế biến sâu, sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen và tích hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị toàn chuỗi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods - cho hay, các sản phẩm chế biến từ chanh leo như nước ép, bột, puree đang có nhu cầu toàn cầu khoảng 30.000 tấn mỗi loại/năm, với tốc độ tăng trưởng 6-7%. Nếu thị trường Trung Quốc sớm mở cửa chính ngạch với chanh leo tươi, Việt Nam hoàn toàn có thể chạm mốc 1 tỷ USD cho ngành hàng này - một cột mốc không xa nếu có quy hoạch bài bản và kiểm soát chất lượng tốt.

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, cho biết: Năm 2024, xuất khẩu dừa tươi đã đạt 390 triệu USD, còn tính chung cả sản phẩm chế biến đã vượt 1 tỷ USD. Sản phẩm dừa công nghiệp có thể kết hợp với chanh dây, dứa, chuối để tạo thành các sản phẩm chế biến sâu, gia tăng giá trị trên thị trường xuất khẩu.

Hoàng Tư

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dua-chanh-leo-chuoi-dua-duavao-nhom-xuat-khau-ty-do-d59994.html
Zalo