Đu trend 'nhìn lên bầu trời ngắm vì tinh tú' có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư, chủ thể thực hiện hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác nhưng với mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn video với âm thanh có nội dung: "Sau này các bạn nhìn lên bầu trời, thì ở trên bầu trời có một vì tinh tú mang tên là J.", kèm theo hình ảnh của nam ca sĩ khá nổi tiếng, có nhiều người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Các video này đăng tải được cho là mang tính chất chế nhạo, đùa cợt nam ca sĩ nói trên.

Hình ảnh nam ca sĩ bị người dùng mạng dùng để cắt ghép vào clip. Ảnh cắt từ clip.

Hình ảnh nam ca sĩ bị người dùng mạng dùng để cắt ghép vào clip. Ảnh cắt từ clip.

Tuy nhiên, nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật những hình ảnh, clip này có thể là hành vi phạm pháp luật. Bởi, theo quy định tại điều 32 Bộ Luật Dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý trừ một số trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, theo điều 20 Hiến pháp 2013, danh dự, nhân phẩm của mỗi cá nhân là bất khả xâm phạm được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thông qua việc chế nhạo hình ảnh của người bị chế nhạo, tùy tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm, nhân thân của người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ quy định tại điểm e, g khoản 3 điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử, chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt quy định nêu trên.

Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể thực hiện hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác nhưng với mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trang các tội danh như "Tội làm nhục người khác", "Tội vu khống" được quy định tại điều 155, 156 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh mà không tuân theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người có hình ảnh thì người thực hiện hành vi có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại xảy ra.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/du-trend-nhin-len-bau-troi-ngam-vi-tinh-tu-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-169241129124034757.htm
Zalo