Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội: cô đọng, tầm vóc, tính hiệu triệu cao

Với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đổi mới, Thành ủy Hà Nội đang từng bước hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025–2030. Dự thảo Văn kiện đã được chuẩn bị một cách khoa học, công phu, chất lượng.

Điều này không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược mà còn mang hơi thở cuộc sống, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến của đại diện chức sắc tôn giáo, giới trí thức, văn nghệ sĩ, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, học viện trên địa bàn TP vào văn kiện do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18/7.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến của đại diện chức sắc tôn giáo, giới trí thức, văn nghệ sĩ, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, học viện trên địa bàn TP vào văn kiện do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 18/7.

Công phu, cô đọng và hàm lượng trí tuệ cao

Ngày 15/7/2025, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội chính thức được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến Nhân dân. Dù dung lượng ngắn gọn hơn so với nhiều kỳ Đại hội trước nhưng bản dự thảo lại có hàm lượng thông tin lớn, thể hiện tính cô đọng, sắc sảo và khái quát cao.

Dự thảo bám sát chủ đề “Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo; tiên phong vươn mình cùng dân tộc, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, Nhân dân hạnh phúc” cùng phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”. Cấu trúc văn kiện gồm ba phần chính với gần 30.500 chữ và bốn phụ lục đi kèm, cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc, bài bản và quyết tâm xây dựng Văn kiện Đại hội mang tính hành động cao.

Cụ thể, Dự thảo Báo cáo Chính trị chính gồm 3 phần. Trong đó, phần một dài gần 15 trang “Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP (2020-2025) và thành tựu, tiềm lực, vị thế, uy tín của thủ đô sau 40 năm đổi mới”. Đáng chú ý trong phần này, Dự thảo Báo cáo dành thời lượng lớn đi sâu phân tích 8 hạn chế và nguyên nhân, rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Phần hai hơn 6 trang nêu “Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới”.

Đây là phần có nhiều điểm mới nhất, ngoài bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước, 5 quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm…, lần đầu tiên Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định “Năm lĩnh vực ưu tiên cần tập trung thực hiện” trong nhiệm kỳ mới. Phần 3 “Những giải pháp trọng tâm” chiếm dung lượng lớn nhất nêu 8 nhóm giải pháp, trong đó toát lên tinh thần cụ thể hóa “Bộ tứ trụ cột” ở Thủ đô.

Cùng với đó, 4 phụ lục kèm theo Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu các số liệu, nội dung chi tiết về “Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội”, “Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030”, “Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện các mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 và sau năm 2030” và “Dự kiến các công trình, dự án trọng điểm tập trung ưu tiên đầu tư giai đoạn 2025-2030”. Đây là nét mới trong xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội, thể hiện tính hành động, khẳng định quyết tâm xây dựng nghị quyết của Đảng thực chất, khả thi và hiệu quả, được thực hiện ngay sau Đại hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện khẳng định, Thành ủy xác định rõ, Văn kiện Đại hội không chỉ dành cho nội bộ cấp ủy, hệ thống chính trị mà còn phải thấm đẫm hơi thở cuộc sống, phản ánh được nguyện vọng và khát vọng của người dân, doanh nghiệp. Văn kiện cần truyền cảm hứng, tạo động lực thực sự chứ không chỉ là tài liệu lý luận. Điểm mới quan trọng trong Dự thảo Văn kiện lần này là các phụ lục chi tiết về các chỉ tiêu, giải pháp trọng tâm, danh mục dự án đầu tư… thể hiện tính khả thi cao và tinh thần hành động ngay sau Đại hội. Đây là minh chứng cho định hướng xây dựng văn kiện “nghị quyết đi vào cuộc sống”.

Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Khơi dậy khát vọng, mở lối phát triển

Với tinh thần cầu thị, Thành ủy Hà Nội tổ chức đợt lấy ý kiến Nhân dân kéo dài từ ngày 15 - 30/7/2025. Dự kiến, Bộ Chính trị sẽ làm việc và duyệt nội dung Dự thảo Văn kiện vào tháng 8/2025, trước khi Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025 -2030 chính thức diễn ra vào khoảng giữa tháng 10/2025.

Ngay sau khi công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên gia và Nhân dân Thủ đô. Theo đó, PGS.TS Trần Viết Lưu - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo T.Ư) nhận định, Dự thảo Văn kiện đã hội đủ các yếu tố trí tuệ, tâm huyết, ý chí và khát vọng phát triển; đủ sức hiệu triệu và dẫn dắt toàn Đảng bộ, Nhân dân TP Hà Nội trong chặng đường phía trước.

Vào ngày 18/7 vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện chức sắc tôn giáo, giới trí thức, văn nghệ sĩ, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, học viện trên địa bàn TP vào văn kiện. Các ý kiến góp ý tại hội nghị đã mang lại thêm nhiều góc nhìn mới, đề xuất sắc sảo và thiết thực để TP tiếp tục hoàn thiện văn kiện một cách chất lượng hơn nữa. Cũng tại hội nghị này, nhiều đại biểu ghi nhận những nội dung tiến bộ của Dự thảo Báo cáo Chính trị, song nhiều nhà khoa học, chuyên gia cũng đặt ra các yêu cầu cao hơn nhằm tạo sự đột phá thực chất cho sự phát triển của Hà Nội trong thời kỳ mới.

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, dự thảo lần này thể hiện rõ tầm vóc của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Tư duy, bố cục rõ ràng, nội dung phong phú đã khẳng định vai trò đầu tàu quốc gia và động lực Vùng đồng bằng sông Hồng của Hà Nội. “Với quyết tâm đổi mới, Hà Nội đang tiến những bước chắc chắn hướng tới mục tiêu phát triển “văn hiến – văn minh – hiện đại” - GS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ.

GS.TS Hoàng Văn Cường – nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Luật Thủ đô 2024 đã trao quyền lớn cho Hà Nội nên TP cần tiên phong trong hai đột phá về thể chế quản trị. Một là xây dựng bộ máy Nhà nước kiến tạo, hoạt động theo kết quả đầu ra thay vì hành chính thụ động. Hai là phát triển mô hình quản trị đô thị thông minh, bao gồm cả xã hội số và các hệ thống thông minh toàn diện. Chỉ khi đó, Hà Nội mới thực sự tiệm cận mục tiêu trở thành “Thủ đô văn minh, hiện đại”.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số đặt ra cho Hà Nội là tham vọng lớn, nhưng chưa thấy rõ sự khác biệt trong nội dung tăng trưởng. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tăng trưởng bền vững đòi hỏi phải có động lực mới, phương thức phát triển khác biệt, đặc biệt là cách tiếp cận thông minh trong điều hành chiến lược. Muốn vậy, Hà Nội phải triệt để giải quyết các ách tắc cũ, thu hút đủ nguồn lực, tạo ra động lực mới, khác thường và đặc biệt là cần các giải pháp thông minh, vượt trội trong ứng xử chiến lược, cùng với nỗ lực phi thường từ hệ thống chính trị và người dân.

Từ góc nhìn quy hoạch, PGS.TS Hoàng Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề cập đến mô hình quản lý sau khi Hà Nội chuyển sang chính quyền địa phương hai cấp. PGS.TS Hoàng Tùng chỉ rõ, việc thiếu công cụ quản lý vùng chức năng đã bộc lộ bất cập trong điều phối liên ngành và liên cấp. Theo đó, Hà Nội cần chuyển sang mô hình đại đô thị vùng, với quy hoạch vùng chức năng mở rộng, học hỏi từ các mô hình thành công như Grand Paris hay Tokyo. Đồng thời, TP cần chuyển dịch mô hình quản trị từ tập quyền sang mạng lưới để thích ứng với yêu cầu đa tác nhân, đa tầng trong đô thị hiện đại.

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội đã và đang tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu rộng rãi ý kiến từ xã hội, phản ánh tư duy đổi mới, khát vọng phát triển và tầm vóc của một Thủ đô dẫn dắt. Từ việc cô đọng tinh thần đến hành động cụ thể, từ sự tham gia của đội ngũ chuyên gia đến đóng góp của Nhân dân, văn kiện này không chỉ là định hướng chiến lược mà còn là lời hiệu triệu cùng chung tay xây dựng TP Hà Nội “văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc”.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-thao-van-kien-dai-hoi-xviii-dang-bo-tp-ha-noi-co-dong-tam-voc-tinh-hieu-trieu-cao.779223.html
Zalo