Dự thảo Luật Hàng không (thay thế): Thông thoáng đầu tư, bình đẳng khai thác

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế).

Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) phải bảo đảm bình đẳng giữa các hãng hàng không trong tiếp cận điều kiện khai thác, đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, trong đó nhấn mạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng giao các bộ, ngành, địa phương quyết định, thực hiện và chịu trách nhiệm; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính.

Các vấn đề liên quan đến giá, phí phải thực hiện theo quy luật thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, không quy định cụ thể giá cả trong Luật.

Về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Dự thảo cũng cần có quy định rõ ràng về quản lý đất đai, tài sản, định giá tài sản công tại các cảng hàng không, nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện tại, giảm trình xin nhiều cấp, tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, theo hướng giao Bộ Tài chính quyết định.

Dự thảo Luật cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về hàng không, trong đó, hoạt động bay do nhà nước đảm nhiệm. Tất cả cảng hàng không, sân bay đều là sân bay lưỡng dụng, trừ các sân bay sử dụng riêng cho lực lượng vũ trang; giao Chính phủ quy định cụ thể.

Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ giao Chính phủ quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, còn các bộ, ngành, địa phương quyết định lựa chọn hoặc giao chủ đầu tư. Đồng thời, cần có quy định về xử lý chuyển tiếp, tránh phát sinh vướng mắc đối với các công trình, dự án đang triển khai.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu rà soát toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến hàng không dân dụng, xác định rõ nội dung còn vướng mắc để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất lộ trình điều chỉnh phù hợp.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định đầy đủ, bao quát. Dự thảo Luật cũng cần có quy định mở, giao Chính phủ thí điểm quản lý phương tiện bay không người lái, bảo đảm quản lý chặt chẽ, không gây mất an toàn hàng không dân dụng và quân sự.

Ngoài ra, Luật cần tuân thủ một số nguyên tắc như: Chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội; các nội dung chưa ổn định, còn biến động hoặc liên quan tổ chức thực hiện, trình tự, phân công… giao Chính phủ quy định; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không; tuân thủ nghiêm quy định của ICAO và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời bổ sung quy định phù hợp với đặc thù Việt Nam; tạo điều kiện huy động tối đa các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng hàng không; nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực tư nhân không làm.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành được ban hành từ năm 2006, qua các lần sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2014, đến nay là 19 năm. Trong điều kiện kinh tế xã hội trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, yêu cầu phản ứng chính sách phải rất kịp thời, hiệu quả.

Ngọc Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/du-thao-luat-hang-khong-thay-the-thong-thoang-dau-tu-binh-dang-khai-thac-319969.html
Zalo