Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi có những điểm mới nào so với Luật GDĐH hiện hành?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý.

Dự thảo Luật gồm 9 chương và dự kiến 54 điều, trong đó:

Có 09 điều được giữ những nội dung cơ bản (thay đổi cách thức diễn đạt một vài điểm phù hợp với kỹ thuật biên soạn lập pháp) từ Luật hiện hành (chiếm 17%) chủ yếu là các quy định mang tính nguyên tắc và ổn định như: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước, văn bằng, quản lý nhà nước và xử lý vi phạm;

Có 26 điều sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định cũ (chiếm 48%) làm rõ hoặc mở rộng các quy định về: quyền tự chủ, hội đồng trường, tổ chức đào tạo, chương trình đào tạo, tuyển sinh, kiểm định chất lượng, cơ cấu tổ chức, tài chính, nhân lực, và trách nhiệm giải trình;

Có 19 điều quy định mới (chiếm 35%), tập trung vào các nội dung đổi mới quan trọng như: tự chủ đại học, giáo dục số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước, khoa học và đổi mới sáng tạo.

Nhiều điểm mới đáng chú ý

So với Luật Giáo dục đại học hiện hành, dự thảo Luật Giáo dục đại học có nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.

Trong đó, dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung đáng chú ý như quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chính sách đào tạo, chính sách và quy định về ứng dụng công nghệ tiên tiến, giáo dục đại học số. Việc này nhằm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng tính tự chủ đại học.

Với nhóm vấn đề về quản trị đại học, nhằm bảo đảm sự quản lý nhà nước về giáo dục đại học, chất lượng đào tạo, dự thảo Luật bổ sung các cơ sở giáo dục đại học không thuộc đối tượng quản lý nhà nước theo Luật hiện hành (Viện nghiên cứu, các trường bồi dưỡng, các học viện có hoạt động đào tạo đại học đại học, sau đại học) trở thành đối tượng áp dụng của Luật.

Bên cạnh đó, để tăng tính chỉ huy, quản lý thống nhất, hiệu quả, khắc phục bất cập tồn tại mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định quyền và nhiệm vụ của hội đồng trường, hiệu trưởng; Thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bãi miễn chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng.

Với nhóm vấn đề về hoạt động đào tạo, dự thảo Luật bổ sung giáo dục số đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ; đào tạo giáo dục số, chuẩn chương trình đào tạo; bổ sung quy định phê duyệt chương trình đào tạo tiến sĩ; Bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ, mở rộng hoạt động giáo dục đại học trên không gian số.

Với nhóm vấn đề về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật bổ sung các nội dung mới xác định cơ sở giáo dục đại học là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - địa phương.

Những điều chỉnh này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57; thực hiện đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực cho những ngành khoa học mũi nhọn, công nghệ kỹ thuật then chốt; phát huy sức mạnh tập thể nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học.

Với nhóm vấn đề về giảng viên và người học, dự thảo Luật bổ sung chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, chính sách đặc thù cho nhà khoa học đầu ngành; cơ chế đãi ngộ và thu hút tài năng trong và ngoài nước, gắn với hiệu quả nghiên cứu, công bố quốc tế.

Với nhóm vấn đề bảo đảm và kiểm định chất lượng, dự thảo Luật bổ sung về cách tiếp cận toàn diện theo hướng quản trị chất lượng, kết quả đầu ra, phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục đại học; đổi mới cơ chế đánh giá, giám sát chất lượng gắn với chuẩn dữ liệu mở, minh bạch. Tích hợp các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong quy định về đăng ký hoạt động đào tạo trên môi trường số; giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hướng dẫn các nội dung chi tiết về chuyên môn trong quy chế đào tạo.

Với nhóm vấn đề về tài sản, tài chính, dự thảo Luật bổ sung quy định đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao theo kết quả đầu ra (bao gồm cả đào tạo giáo viên, đào tạo nâng cao trình độ giảng viên), nhằm giải quyết hiệu quả các vướng mắc trong đặt hàng, giao nhiệm vụ theo đầu vào; thúc đẩy các cơ sở giáo dục cạnh tranh theo chất lượng và hiệu quả đào tạo thực chất.

Bên cạnh đó, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách.

Ngoài ra, bổ sung quy định về ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng cho các cơ sở giáo dục và các hoạt động hợp tác, đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại để giải quyết các vấn đề về những vướng mắc trong thủ tục xin cấp đất để đầu tư cho giáo dục; khắc phục việc tăng chi phí đào tạo, dẫn tới tăng học phí của người học do các loại thuế.

Với nhóm vấn đề về hợp tác và đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật bổ sung chính sách hoạt động hợp tác và liên kết trong và ngoài nước.

Còn ý kiến khác nhau về vấn đề hội đồng trường đại học thành viên

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến bàn luận trong lần sửa luật này là nội dung về hội đồng trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng (đại học hai cấp).

Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên hội đồng trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng như hiện nay.

Phương án 2: Bỏ hội đồng trường trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng, bỏ hội đồng trường của các trường đại học, học viện thuộc Bộ Công an, Quốc phòng.

Ban soạn thảo Luật đề xuất phương án 2, với lý do bảo đảm mô hình quản trị đại học thống nhất trong đại học quốc gia và đại học vùng, phù hợp với về tinh gọn bộ máy và Kế hoạch định hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-thao-luat-gddh-sua-doi-co-nhung-diem-moi-nao-so-voi-luat-gddh-hien-hanh-post252450.gd
Zalo