Dự thảo dạy thêm quá 'cởi mở', không có cơ chế giám sát hiệu quả rất khó khả thi
Dự thảo đã cố gắng khắc phục một số hạn chế của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, nhưng vẫn còn một số điểm cần được xem xét và hoàn thiện thêm.
“Học thêm chính đáng phải xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của chính bản thân, nhưng bây giờ tình trạng học thêm theo phong trào rất nhiều.
Thầy cô giáo thì đánh vào “khoảng trống” tâm lý của phụ huynh học sinh, rằng con nhà người ta đi học hết mỗi con nhà mình không đi thì không theo kịp. Tôi biết không ít thầy cô giáo điện thoại thẳng cho phụ huynh để “gợi ý” cho các cháu đi học thêm.
Thực tế bây giờ học sinh bậc tiểu học học thêm còn nhiều hơn học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học cơ sở lại học thêm nhiều hơn học sinh trung học phổ thông…”, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Phúc) lắc đầu khi nói về thực trạng dạy thêm học thêm hiện nay.
Dạy thêm, học thêm và tính liêm chính của thầy cô giáo
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, Dự thảo cho phép giáo viên được dạy thêm học sinh của lớp mình đang dạy chính khóa, thay vì quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa như Thông tư hiện hành. Dự thảo cũng bỏ quy định học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn (có chữ ký của phụ huynh) gửi nhà trường...
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Lự đánh giá thay đổi này là phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục tính hình thức, cứng nhắc của quy định cũ.
“Thực tế dù có hay không có văn bản quy định trên thì việc dạy thêm, học thêm vẫn sẽ diễn ra. Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật của học sinh và giáo viên. Nhưng học thêm chính đáng phải xuất phát từ nhu cầu, không được học theo phong trào.
Để hạn chế những mặt trái của dạy thêm, học thêm hiện nay, chính bản thân các bậc phụ huynh và học sinh cũng cần xác định rõ nhu cầu học thêm, tránh tình trạng chạy theo số đông”, thầy Lự nêu ý kiến.
Cũng nhìn nhận học thêm, dạy thêm là nhu cầu chính đáng của cả học sinh và giáo viên, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (giáo viên luyện thi ở Hà Nội) chia sẻ:
“Nhu cầu học thêm tùy thuộc theo mục tiêu học tập của từng học sinh, phụ huynh. Với các em học lực kém thì có nhu cầu học thêm để cải thiện kiến thức, nâng cao kết quả học tập. Với học sinh học giỏi thì lại muốn tiếp tục mở rộng thêm kiến thức để phục vụ mục tiêu học tập cao hơn.
Về phía thầy cô giáo, mặc dù Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực để cải thiện đời sống giáo viên, nhưng ở nhiều nơi giáo viên vẫn còn gặp khó khăn về kinh tế. Dạy thêm là cách thầy cô dùng năng lực chuyên môn của mình để kiếm thêm thu nhập, điều này cũng là chính đáng”, vị giáo viên nêu quan điểm.
Tuy nhiên, câu chuyện khiến dư luận bức xúc chính là “mặt trái” của dạy thêm, học thêm: giáo viên “dùng biện pháp” để bắt học sinh đi học thêm bằng việc dạy “sơ sài” trên lớp, hay học sinh đi học thêm mới đạt điểm cao và ngược lại,...
“Đây cũng là điều mà bản thân tôi băn khoăn. Mặt trái của câu chuyện dạy thêm học thêm liên quan đến tính liêm chính của thầy cô giáo. Thực tế không phải ai cũng giữ được bản lĩnh, sòng phẳng và khách quan khi đánh giá học sinh chính mình.
Nếu để đảm bảo khách quan nhất, lẽ ra nên giữ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình. Đây cũng là giải pháp đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng để quản lý việc dạy thêm, học thêm. Một số trường quốc tế, trường dân lập hiện nay cũng đang áp dụng cách này và hiệu quả quản lý rất tốt”, thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.
Đánh giá về Dự thảo, vị giáo viên nhìn nhận “quy định trước đây có phần khó khăn hơn, bây giờ lại hơi cởi mở quá! Ở nước ta, vấn đề tự nguyện đôi khi vẫn còn mang tính hình thức, và rất khó để kiểm soát vấn đề này một cách tuyệt đối”.
Tuy nhiên, thầy Vũ Khắc Ngọc cũng cho rằng, quản lý dạy thêm học thêm là một vấn đề khó.
“Hãy để thực tiễn chứng minh, nếu qua triển khai nảy sinh các bất cập, dư luận xã hội sẽ có phản hồi trở lại, từ đó từng bước có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn”, thầy Ngọc đề xuất.
Dự thảo có điểm tích cực, nhưng vẫn còn không ít rào cản về tính khả thi trong thực tiễn
Cùng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những phân tích chi tiết về những điểm cần hoàn thiện ở Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo Phó Giáo sư Thành, quan niệm về hoạt động dạy thêm, học thêm rất đa dạng và phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, cũng như các giá trị và mục tiêu giáo dục của mỗi cộng đồng.
Ngoài việc dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động dạy thêm, học thêm có thể có trong các nhà trường hoặc ngoài nhà trường.
Cụ thể, trong nhà trường thường tổ chức dạy thêm học thêm các nội dung văn hóa bổ sung vào các nội dung quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; hay các nội dung kĩ năng mềm, tiếng Anh, STEM theo các hình thức Câu lạc bộ được tổ chức bởi nhà trường hay do các Trung tâm/Công ty Giáo dục với các chương trình được thẩm định bởi các cơ quan quản lí giáo dục như Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; hoặc các nội dung văn hóa ngoài nội dung chương trình nhà trường, như bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc cho học sinh có nhu cầu.
Còn các lớp ngoài nhà trường thường tổ chức dạy thêm học thêm các môn văn hóa hoặc các chương trình kĩ năng tại các trung tâm văn hóa được thẩm định bởi các cơ quan quản lí giáo dục như Phòng, Sở; hoặc các lớp do giáo viên tự tổ chức, quản lí.
Nhìn chung, hoạt động dạy thêm, học thêm mang lại một số mặt tích cực như giải pháp hỗ học sinh củng cố kiến thức, nâng cao thành tích học tập, phát triển các kĩ năng. Dạy thêm cũng có thể là một công cụ giúp các học sinh gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình học trên lớp. Bằng cách này, học sinh có thể nhận được sự hỗ trợ thêm để không bị tụt lại phía sau. Việc này thường được triển khai qua hình thức ‘’học bồi dưỡng’’ tại nhà trường hoặc “học bổ sung kiến thức’’ tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, dạy thêm học thêm cũng có nhiều mặt trái. Theo Phó giáo sư Thành, hoạt động này có thể tạo ra áp lực lớn đối với học sinh, đặc biệt khi khối lượng học tập trở nên quá tải. Điều này có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và mất cân bằng giữa học tập và các hoạt động khác trong cuộc sống.
Ở một số nơi, dạy thêm được coi là một phần không thể thiếu của thu nhập cho giáo viên. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong giáo dục, khi không phải tất cả học sinh đều có điều kiện tài chính để tham gia các lớp học thêm.
Ngoài ra, hoạt động dạy thêm học thêm cũng tác động đến chất lượng giáo dục chính thống. Ở một góc độ nào đó, việc dạy thêm, học thêm có thể làm giảm động lực học tập của học sinh trong giờ học chính khóa, khi các em có thể nghĩ rằng kiến thức sẽ được bổ sung sau giờ học chính thức.
"Việc này cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển tư duy hay kĩ năng khi mà các hoạt động học tập trong các lớp học thêm thường thiên về cung cấp kiến thức và làm các bài tập theo ‘’mẫu’’ để rèn kĩ năng làm dạng bài có thể gặp trong các kì thi hay kiểm tra đánh giá.
Hơn nữa một thực trạng khá nhức nhối hiện nay là có một bộ phận giáo viên ‘’ép buộc" học sinh đi học thêm bằng nhiều cách như như cố tình dạy sơ sài, qua loa trên lớp, hay có hiện tượng ‘’thiên vị’’ khi học sinh đi học thêm lớp học của mình", thầy Thành nêu thực tế.
Đánh giá về Dự thảo Thông tư về quy định dạy thêm, học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận định Dự thảo đã cố gắng khắc phục một số hạn chế của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, nhưng vẫn còn một số điểm cần được xem xét và hoàn thiện thêm.
Chỉ ra các điểm tích cực của Dự thảo, Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Chí Thành phân tích, quy định hiện hành chỉ yêu cầu mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. Trong khi đó, Dự thảo đã bổ sung yêu cầu công khai chi tiết về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm.
Việc này giúp đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu tình trạng lợi dụng việc dạy thêm để trục lợi cá nhân. Đồng thời, giúp tăng cường sự giám sát từ phía cha mẹ học sinh và cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Dự thảo đã chi tiết hóa hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, cũng như trách nhiệm của hiệu trưởng và tổ chuyên môn trong việc tổ chức dạy thêm.
Dự thảo mới cũng chú trọng đến việc quản lý thời gian và sức khỏe của học sinh, khắc phục hạn chế của quy định hiện hành khi chỉ đề cập chung chung về việc không gây quá tải, trong khi Dự thảo mới nhấn mạnh cụ thể hơn đến các yếu tố tâm lý và sức khỏe, tạo điều kiện bảo vệ học sinh tốt hơn.
Đặc biệt, lần đầu tiên, quy định về dạy thêm học thêm đề ra nguyên tắc “không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh”.
“Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm hạn chế tình trạng học thêm trở thành điều kiện bắt buộc để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, đồng thời giảm áp lực lên học sinh”, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành đánh giá.
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn cần cải thiện thêm về cơ chế giám sát và xử lý vi phạm cũng như bảo đảm giảm áp lực lên học sinh để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất trong thực thi các quy định về dạy thêm, học thêm.
Đơn cử, với quy định cấm sử dụng các bài tập từ lớp học thêm trong kiểm tra, đánh giá học sinh tại Dự thảo, Phó giáo sư Thành đánh giá, mặc dù có ý nghĩa tích cực song quy định này cũng đối mặt với những thách thức lớn trong việc thực thi.
Trong đó, một trong những vấn đề lớn nhất mà quy định này gặp phải là thiếu cơ chế giám sát để đảm bảo rằng giáo viên không sử dụng các bài tập từ lớp học thêm trong kiểm tra. Trong thực tế, việc này rất khó kiểm soát, đặc biệt khi giáo viên là người trực tiếp xây dựng đề kiểm tra.
Bên cạnh đó, tính khả thi trong thực tế của quy định này không cao. Nhiều giáo viên có thể vẫn lách luật bằng cách sử dụng những câu hỏi tương tự, hoặc chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ để biến bài tập từ lớp học thêm thành bài kiểm tra chính khóa. Điều này khiến quy định dễ bị biến thành hình thức mà không có tác dụng thực tế.
Hay với nội dung tại Điều 5 của Dự thảo quy định về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, tuy có sự cải thiện so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế mà nhiều ý kiến cho rằng các quy định này có phần "thoáng" hơn. Điều này thể hiện rõ qua việc yêu cầu công khai thông tin về các hoạt động dạy thêm nhưng lại thiếu cụ thể về phương thức công khai, cơ chế giám sát và quản lý.
Cụ thể, điểm tích cực của quy định dạy thêm học thêm ngoài nhà trường tại Dự thảo là đã đưa ra yêu cầu công khai các thông tin quan trọng như môn học, thời lượng, địa điểm, thời gian tổ chức, danh sách giáo viên và mức thu học phí trước khi tuyển sinh.
Tuy nhiên, quy định này lại thiếu sự rõ ràng về phương thức công khai và cơ chế giám sát còn mơ hồ. Dự thảo mới chỉ yêu cầu các cơ sở dạy thêm công khai thông tin nhưng không nêu rõ cần công khai ở đâu và bằng cách nào.
Điều này có thể dẫn đến việc thông tin bị công khai theo cách thức không hiệu quả, như chỉ dán thông báo tại nơi dạy thêm mà không thông báo rộng rãi qua các kênh khác như trang web, mạng xã hội, hoặc qua nhà trường.
Bên cạnh đó, quy định cũng thiếu sự rõ ràng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát quá trình công khai này. Nếu không có cơ chế giám sát rõ ràng, các cơ sở dạy thêm có thể bỏ qua hoặc thực hiện công khai một cách hời hợt. Dự thảo cũng không cung cấp chi tiết về cách thức giám sát việc thực hiện các quy định này.
“Dù Dự thảo đã có những bước tiến trong việc yêu cầu công khai thông tin liên quan đến hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng để thực sự hiệu quả và tránh tình trạng "hình thức", cần tổ chức các hoạt động tham vấn để có các quy định cụ thể hơn về phương thức công khai và cơ chế giám sát.
Sự rõ ràng trong các quy định này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch mà còn đảm bảo rằng các hoạt động dạy thêm diễn ra công bằng và không gây áp lực không cần thiết cho học sinh”, Phó giáo sư Thành nêu nhận định.
Làm sao để thầy cô giáo có thể “đàng hoàng” dạy thêm?
Làm sao để thầy cô giáo có thể “đàng hoàng” dạy thêm? Đó là câu hỏi được rất đông dư luận xã hội quan tâm và bàn luận sôi nổi trong thời gian qua.
Về câu hỏi này, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng để thầy cô giáo được “đàng hoàng” dạy thêm cần có sự thay đổi toàn diện từ chính sách, cơ chế giám sát, cải thiện điều kiện làm việc, đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp.
“Khi có được môi trường hỗ trợ và minh bạch, giáo viên sẽ có thể thực hiện công việc dạy thêm một cách hợp pháp, công bằng và có trách nhiệm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của học sinh và giữ vững giá trị của nghề giáo”, chuyên gia khẳng định.
Theo đó, trước tiên phải tiến hành cải cách chính sách và pháp luật về dạy thêm. Trong đó, cần có những quy định pháp lý rõ ràng về điều kiện, quy trình và thủ tục để giáo viên được phép dạy thêm, bao gồm cả việc đăng ký, công khai thông tin và tuân thủ các quy định về giờ giấc, nội dung giảng dạy.
Đồng thời, cung cấp các khóa tập huấn và hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về cách thức tổ chức dạy thêm theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả. Trong đó, phải có sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và cơ quan quản lý giáo dục để giám sát việc dạy thêm.
Tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng, trong đó, cha mẹ học sinh và xã hội cần hiểu rõ và đánh giá đúng vai trò của giáo viên trong việc dạy thêm, thúc đẩy việc dạy thêm minh bạch và hợp pháp hơn.
Có cơ chế xử lý rõ ràng đối với những trường hợp vi phạm, như ép buộc học sinh học thêm, dạy sơ sài trên lớp để ép học sinh đi học thêm, nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh và giữ vững đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
Ngoài ra, mọi thông tin về dạy thêm cần được công khai rõ ràng trên website, các trang mạng xã hội của nhà trường hay các trung tâm, tổ chức dạy thêm để mọi học sinh, gia đình, xã hội cùng giám sát. Thông tin công khai cần đảm bảo đầy đủ từ danh sách giáo viên, nội dung giảng dạy đến mức thu phí. Điều này giúp tránh tình trạng mập mờ và tạo lòng tin trong cộng đồng.
Một giải pháp có tính bền vững là cải thiện điều kiện làm việc và đãi ngộ cho giáo viên.
Thực tế, một trong những lý do khiến nhiều giáo viên dạy thêm là do mức lương không đủ để trang trải cuộc sống. Do đó, cải thiện chính sách tiền lương và phúc lợi cho giáo viên sẽ giúp họ giảm bớt áp lực tài chính và không phải dựa vào dạy thêm để tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, kết hợp giảm tải chương trình giảng dạy, và cung cấp thêm thời gian cho giáo viên chuẩn bị bài giảng có thể giúp họ tập trung vào việc giảng dạy chính khóa và không cần phải dựa vào dạy thêm.
"Theo tôi, khi chưa có các biện pháp hay công nghệ, cơ chế phù hợp để giám sát thì nên chưa cho phép các nhà trường tổ chức dạy thêm (thu tiền), học thêm trong nhà trường.
Thay vào đó, chúng ta có thể phát triển các trung tâm dạy thêm hợp pháp. Trong đó, các trung tâm này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giáo dục và đồng thời đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Đồng thời, cần có sự phân định rạch ròi về đội ngũ giáo viên của các trung tâm này: Giáo viên dạy các trung tâm này cần có trình độ, chứng chỉ hay bằng cấp phù hợp được quy định cụ thể và KHÔNG được kiêm nhiệm dạy ở trường phổ thông để tránh việc xung đột quyền lợi", chuyên gia nêu đề xuất.
Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh, với các lớp dạy thêm học thêm do giáo viên tự đứng ra tổ chức, quản lí lớp với nội dung dạy là các môn văn hóa và dẫn đến các hiện tượng tiêu cực như hiện nay thì cần có các chế tài nghiêm cấm việc này. Hơn nữa, để tránh việc có thể giáo viên sẽ có các đánh giá thiên vị với các học sinh trong lớp học thêm của mình, kể cả trong trường hợp các lớp học thêm được tổ chức, quản lí trong nhà trường hay ngoài nhà trường thì cần có các quy định nhân sự để giáo viên tại các lớp học thêm này không phải là các giáo viên đang dạy tại các trường phổ thông và có chứng chỉ nghiệp vụ đáp ứng các quy định.
"Đây cũng là cách làm ở một số quốc gia như Hàn Quốc mà ở đó việc dạy thêm học thêm được tiến hành tại các Trung tâm được cấp phép với các giáo viên riêng của mình. Hiện nay nhiều Trung tâm/Công ty giáo dục đã triển khai việc dạy các chương trình bồi dưỡng kĩ năng hay dạy tiếng Anh tại các nhà trường, trong đó nội dung chương trình và đội ngũ các giáo viên của Trung tâm phải đáp ứng các yêu cầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo. Điều này cũng giúp cho giáo viên trường phổ thông có thời gian tập trung vào làm tốt công việc dạy học tại nhà trường của mình", thầy Thành thông tin thêm.
Cuối cùng, Phó giáo sư Thành đặc biệt nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên các trường phổ thông và tại các trung tâm được cấp phép cho việc dạy thêm học thêm, nhấn mạnh vai trò của họ trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh. Điều này giúp giáo viên hiểu rõ trách nhiệm của mình và thực hiện công việc dạy thêm một cách “đàng hoàng” và có trách nhiệm.