Du lịch Việt Nam định hình bản sắc
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc định hình bản sắc trở thành yếu tố sống còn để Việt Nam khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch quốc tế.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong du lịch biển đảo nhưng chưa tạo ra được các sản phẩm mang bản sắc đặc trưng. Ảnh minh họa: INT.
Những con số ấn tượng
Bản sắc du lịch không chỉ là những giá trị văn hóa, thiên nhiên, mà còn là cách chúng ta kể câu chuyện chân thực và sống động về đất nước mình, để khi nhắc đến Việt Nam là du khách nhớ tới những hình ảnh riêng biệt, như một Hà Nội cổ kính, một Hội An trầm mặc, hay một Tây Bắc đa sắc màu.
Trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025), Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã nêu một con số rất ấn tượng, đó là: “Lượng khách đến Việt Nam đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt vào năm 1990 lên 18 triệu lượt vào năm 2019; Du lịch đóng góp 9,2% trong GDP nền kinh tế”.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong những năm gần đây, du lịch ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa hệ thống sản phẩm và dịch vụ không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, gia tăng trải nghiệm và giá trị cho du khách.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng và khác biệt… dựa trên lợi thế về tài nguyên. Với đường bờ biển dài hơn 3.200km và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, cùng nhiều vịnh nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, Vĩnh Hy, Phú Quốc, Lý Sơn... đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế.
Nếu như du lịch biển đảo được xác định là trụ cột mũi nhọn, thì du lịch văn hóa được xem là bản sắc và chiều sâu của du lịch Việt Nam. Với trên 40.000 di tích lịch sử, văn hóa, 6 di sản văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á được UNESCO công nhận. Đó là dòng sản phẩm có thế mạnh đặc biệt, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Với xu hướng chú trọng phát triển xanh và bền vững, du lịch sinh thái cũng đang được Việt Nam đầu tư. Với 2 di sản thiên nhiên, 1 di sản hỗn hợp, 4 công viên địa chất toàn cầu UNESCO, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 9 khu Ramsar và hơn 30 khu vườn quốc gia… không chỉ phục vụ du khách yêu thiên nhiên, mà còn phù hợp với xu hướng du lịch có trách nhiệm.
Cuối cùng là du lịch đô thị với đặc trưng lịch sử, văn hóa, kiến trúc, phong tục của từng vùng miền luôn thu hút du khách quốc tế đến khám phá. Các thành phố sôi động như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… không chỉ là nơi để kể những câu chuyện văn hóa, mà còn là nơi để du khách thưởng thức nền ẩm thực tuyệt vời mang bản sắc và cốt cách Việt Nam.
Nhờ nguồn vốn đa dạng từ thiên nhiên cho tới di sản, lịch sử cho tới văn hóa mà du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta tăng lên hàng năm. Năm 2024 chúng ta đón trên 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 40% so với năm 2023. Trong 5 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 9,2 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2024.

Nhà văn Hoàng Tương Lai, người Tày giới thiệu chiếc mũ của một thầy cúng. Ảnh minh họa: INT.
Xây dựng bản sắc
Tuy có những lợi thế phát triển du lịch, song trong thời gian qua chúng ta ít quan tâm vào việc xây dựng và tạo lập bản sắc du lịch đặc trưng. Hệ quả là dù thu hút khách quốc tế nhưng không để lại trong họ ấn tượng đặc biệt, đâu đó vẫn nhầm tưởng di tích - danh thắng của Việt Nam với nước khác, vẫn nhầm lẫn văn hóa - phong tục với quốc gia láng giềng…
Theo giới chuyên gia, tạo lập bản sắc đặc trưng cho du lịch là một quá trình mang tính chiến lược, đòi hỏi sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa, thiên nhiên, con người và giá trị hiện đại. Quá trình này không chỉ là xây dựng một thương hiệu hấp dẫn, mà còn là cách để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, việc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và không muốn quay lại, hay đến đất nước chúng ta nhưng ít ấn tượng bởi không có đặc trưng là điều dễ hiểu. Vì trong một thời gian dài, chúng ta thường “ăn xổi” chứ ít có chiến lược bài bản.
“Một trong các khía cạnh khiến khách du lịch muốn quay trở lại thì du lịch phải thực sự chuyên nghiệp, phải mang tính văn hóa, và phải tạo ra văn hóa du lịch”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. Tuy nhiên cũng theo ông Huy, “tạo ra văn hóa du lịch” không có nghĩa là diễn, ví dụ như mô hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa hiện nay ở đa số các địa phương đều mang yếu tố diễn - tái hiện phong tục, đám cưới giả, đám ma giả, nghi lễ giả…
Khách du lịch khi đến một vùng đất mới, điều cốt lõi họ muốn là được trải nghiệm về văn hóa với yếu tố nguyên gốc, chân thật. Kết quả khảo sát khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cho thấy: 90% khách thích nghe hướng dẫn viên là người bản địa, 71% khách muốn ăn - ngủ ngay tại các bản làng của người dân tộc thiểu số.
Điều đó cho thấy, yếu tố nguyên gốc chính là cốt lõi của bản sắc. Bởi vậy, xây dựng bản sắc du lịch nhiều khi là không “động chạm”, không tác động… mà để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm bản địa, mang đậm tính cá nhân hóa đang trở nên phổ biến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chiều sâu văn hóa và sự độc đáo, ưu tiên các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, sống chậm lại, chú ý đến sức khỏe, tinh thần, trải nghiệm văn hóa sâu sắc…
Vì vậy thời gian qua, ngành du lịch đã chủ động kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực liên quan để đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, chú trọng đến các giá trị mang tính bản sắc, đặc trưng để kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, phong tục… thúc đẩy giá trị gia tăng trong trải nghiệm của du khách.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực du lịch. Với sự cuốn hút và hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch, Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng đối với du khách trên toàn cầu trong thời gian tới.