Du lịch Mường Chà: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Hệ thống hang động, điểm dừng chân check-in, mô hình du lịch cộng đồng… là những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái của huyện Mường Chà. Tuy nhiên những năm qua, tiềm năng du lịch nơi đây mới chỉ dừng ở việc định hướng mà chưa được 'đánh thức'.

Đến với di tích hang động Huổi Cang, Huổi Đáp du khách sẽ được đi thuyền, ngắm cảnh núi non hùng vĩ.

Đến với di tích hang động Huổi Cang, Huổi Đáp du khách sẽ được đi thuyền, ngắm cảnh núi non hùng vĩ.

Tiềm năng du lịch phong phú

Bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng là nơi sinh sống của người dân tộc Xạ Phang (còn gọi là người Hoa) với 44 hộ, gần 240 nhân khẩu. Khi đến tham quan du lịch tại bản, du khách sẽ được trải nghiệm nghề làm giày thêu thủ công của người Xạ Phang. Đây là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2021.

Ngôi nhà nằm ngay đầu bản của gia đình chị Lò Sử Hóa những ngày này rộn ràng tiếng nói cười. Các mẹ, các chị tập trung về đây, cùng nhau làm những đôi giày thêu truyền thống cho người thân trong gia đình sử dụng vào dịp tết. Vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản, sáp ong khô… là những nguyên liệu chính để làm giày đã được chuẩn bị đầy đủ. Những họa tiết, hoa văn riêng biệt được các mẹ, các chị thêu trên giày thể hiện sự khéo léo và tư duy sáng tạo của phụ nữ Xạ Phang.

Theo chị Hóa, 1 đôi giày thêu của người Xạ Phang từ lúc chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thiện phải mất gần 1 tháng. Bởi sự kỳ công, tỉ mỉ nên nghề làm giày thêu truyền thống của người Xạ Phang cũng là hình thức trải nghiệm mới lạ đối với du khách khi đến bản Huổi Lèng.

Danh lam thắng cảnh hang động Hắt Chuông, bản Huổi Cang, xã Pa Ham là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: Địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Hang động Hắt Chuông đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 1444/QĐ-UBND, ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh Điện Biên. Đây là điểm đến hấp dẫn, thú vị, có sức hút đối với khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.

Mỗi đôi giày thêu thể hiện sự khéo léo và tư duy sáng tạo của phụ nữ Xạ Phang.

Mỗi đôi giày thêu thể hiện sự khéo léo và tư duy sáng tạo của phụ nữ Xạ Phang.

Ông Mùa A Dùng, Chủ tịch UBND xã Pa Ham cho biết: Cùng với hang động Hắt Chuông, trên địa bàn xã còn có hang động: Huổi Cang, Huổi Đáp đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia năm 2019; hang động Thẩm Tâu được xếp hạng là di tích khảo cổ cấp tỉnh từ năm 2022. Quần thể hang động trên chính là tiềm năng lớn để phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá.

Bỏ ngỏ tiềm năng

Huyện Mường Chà có 13 dân tộc với gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cộng đồng các dân tộc thiểu số có phong tục tập quán đa dạng và là chủ nhân của 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề làm giày thêu của người Hoa; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa; nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông và nghệ thuật múa của người Khơ Mú. Thêm nữa là tiềm năng về du lịch hang động trên địa bàn huyện. Cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa cộng đồng các dân tộc là tiềm năng phong phú để Mường Chà khai tác, phát triển du lịch.

Tuy nhiên việc khai thác, phát triển du lịch ở Mường Chà chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng ở dạng tiềm năng, lợi thế nên lĩnh vực này chưa có đóng góp nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đơn cử như bản Huổi Lèng, không chỉ có nét độc đáo nghề làm giày thêu của người Xạ Phang, bản còn có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, là thế mạnh tự nhiên để người dân nơi đây làm du lịch cộng đồng và thu hút du khách dừng chân khám phá, trải nghiệm, lưu trú…

Homestay của gia đình anh Sần Sú Tề đáp ứng cơ bản điều kiện của mô hình du lịch cộng đồng.

Homestay của gia đình anh Sần Sú Tề đáp ứng cơ bản điều kiện của mô hình du lịch cộng đồng.

Với mong muốn phát triển du lịch, năm 2021, gia đình anh Sần Sú Tề, bản Huổi Lèng đã đầu tư hơn 80 triệu đồng cải tạo khuôn viên ngôi nhà sàn rộng hơn 100m2, mua sắm chăn ga, trang bị hệ thống chiếu sáng… phục vụ đón tiếp khách du lịch. Khi đến tham quan, trải nghiệm tại bản, du khách có nhu cầu sẽ được đáp ứng các dịch vụ như: Ngủ qua đêm, thưởng thức các món ăn dân tộc, trải nghiệm xay ngô, lúa, làm giày, trang phục truyền thống của người Xạ Phang…

Theo anh Sần Sú Tề, mô hình homestay của gia đình đáp ứng cơ bản dịch vụ mô hình du lịch cộng đồng song lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại bản rất ít, không như kỳ vọng. Từ đầu năm đến nay homestay đón khoảng hơn 50 khách du lịch. “Dù có tiềm năng lợi thế nhưng mô hình du lịch cộng đồng của bản Huổi Lèng chưa được quảng bá rộng rãi, chưa được nhiều người biết đến. Nguồn khách du lịch đến bản chủ yếu thông qua kênh của Quỹ Phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên, chưa có kết nối với đơn vị làm về du lịch nên lượng khách đến bản còn hạn chế” - anh Sần Sú Tề cho hay.

Hệ thống hang động tại huyện Mường Chà là tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm.

Hệ thống hang động tại huyện Mường Chà là tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm.

Xã Pa Ham có quần thể hang động phong phú, tuy nhiên, hầu hết điểm du lịch còn hoang sơ, chưa kết nối hạ tầng đồng bộ. Thực tế cho thấy, bất cập nhất khi đến du lịch hang động tại xã Pa Ham đó là địa điểm cách xa trung tâm nhưng chưa có khu lưu trú, dịch vụ ăn uống. Do đó, những danh lam thắng cảnh chưa thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Để du lịch không còn là tiềm năng

Trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Chà về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, danh lam thắng cảnh hang động và du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm, khám phá.

Để du lịch không còn là tiềm năng, huyện Mường Chà đã tập trung xây dựng quy hoạch, chú trọng đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo từng vùng, từng khu vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể khu vực các xã Na Sang, Mường Mươn tập trung phát triển du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như các trò chơi dân gian, lễ hội của các dân tộc Thái, Khơ Mú; khu vực bản Cổng Trời, xã Sa Lông chú trọng khai thác lễ hội Nào Pê Chầu của người Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông hoa, tạo sân chơi cho du khách vừa trải nghiệm, vừa mua sản phẩm; khu vực Pa Ham, Nậm Nèn phát triển du lịch hang động và tổ chức thường niên lễ hội “Kin Pang Then” của dân tộc Thái với quy mô cấp huyện gắn với Lễ hội Hoa Ban của tỉnh.

Giày thêu là sản phẩm văn hóa độc đáo của người Xạ Phang ở bản Huổi Lèng.

Trong 2 năm (2022 – 2023), thực hiện dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, huyện Mường Chà đã triển khai thực hiện trên phạm vi 5 xã: Hừa Ngài, Nậm Nèn, Huổi Mí, Pa Ham, Sá Tổng với tổng nguồn vốn được giao 630 triệu đồng. Theo đó, huyện đã tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội “Kin Pang Then” của dân tộc Thái trắng tại xã Nậm Nèn; tổ chức thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian (tung còn, đẩy gậy, cà kheo, tó má lẹ, bắn nỏ, tù lu) với sự tham gia của người dân 5 xã.

Dù có những hoạt động khai thác tiềm năng du lịch nhưng còn rất nhỏ, chưa làm cho du lịch Mường Chà vươn lên tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Để các đề án, kế hoạch phát triển du lịch của huyện Mường Chà không “ở trên giấy” cần có nguồn lực đầu tư nhiều hạng mục, nhất là kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng dịch vụ lưu trú và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Cùng với đó là công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với sự vào cuộc của cả cán bộ, người dân trong và ngoài huyện.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/du-lich/219874/du-lich-muong-cha-tiem-nang-con-bo-ngo
Zalo