Du lịch cộng đồng, nông nghiệp xanh trong lòng nông thôn mới ở Huế

Nhiều vùng đất nghèo vùng cao trên địa bàn TP.Huế đang từng ngày khoác lên mình 'tấm áo mới' của sự đổi thay, đường làng sạch đẹp, bản làng rộn ràng, trở thành điểm dừng chân của du khách khắp nơi.

Đằng sau sự vươn tầm mạnh mẽ ấy là thành công của quá trình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, với vai trò tiên phong của các HTX, đặc biệt là sự đồng hành thiết thực từ các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới.

Du lịch cộng đồng vùng cao

Cách trung tâm huyện A Lưới (cũ) chừng 10km, Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim, nay là xã A Lưới 1) là điểm đến được nhắc tới như một biểu tượng của sự đổi mới. Nằm giữa rừng núi đại ngàn, ngôi làng nhỏ này nổi bật với vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Cô.

Chỉ vài năm trước, người dân ở A Nôr còn sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Nhưng kể từ khi HTX Du lịch sinh thái A Nôr được thành lập và hoạt động bài bản, làng A Nôr đã bước vào một hành trình phát triển mới.

Du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy nông thôn mới ở Huế (Ảnh: HNN).

Du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy nông thôn mới ở Huế (Ảnh: HNN).

Ông Hoàng Thanh Duy, Giám đốc HTX, cho biết với 90 thành viên, chủ yếu là đồng bào Pa Cô, HTX đã tạo sinh kế bền vững thông qua việc khai thác thế mạnh bản địa, như tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm như lễ hội truyền thống, ẩm thực bản địa, xông hơi thảo dược, tắm suối nước nóng tự nhiên…

“Trung bình mỗi thành viên tăng thêm thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nhờ kết hợp làm nông nghiệp và phục vụ du lịch. Quan trọng hơn, bà con có động lực để giữ gìn văn hóa truyền thống, gìn giữ rừng, nguồn nước, cảnh quan sinh thái của mình”, ông Duy chia sẻ.

HTX A Nôr không chỉ dừng lại ở khai thác du lịch mà còn mạnh dạn đầu tư cải tạo đường làng, xây dựng khu nhà sàn sinh thái, bố trí các điểm nghỉ dưỡng, đảm bảo vệ sinh môi trường để thu hút khách.

Các thành viên HTX được tập huấn về kỹ năng du lịch, nghệ thuật biểu diễn, nấu ăn truyền thống… nhờ sự hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam như đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến quảng bá điểm đến.

Đa dạng nguồn sinh kế

Nếu du lịch mang lại cơ hội mới thì chính nghề truyền thống đang tạo ra chiều sâu bền vững cho nông thôn mới ở A Lưới. Điển hình là HTX Thổ Cẩm Xanh Aza Koonh – do Nghệ nhân ưu tú Mai Thị Hợp sáng lập và điều hành – đã hồi sinh nghề dệt zèng vốn đang đứng trước nguy cơ mai một.

Không chỉ duy trì phương pháp dệt truyền thống, HTX còn tạo ra các sản phẩm từ vải zèng như áo dài, túi xách, khăn quàng, phụ kiện thời trang, vừa giữ được bản sắc, vừa đáp ứng thị hiếu hiện đại. Mỗi sản phẩm bán ra với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Tà Ôi.

Theo bà Hợp, điều quan trọng nhất không chỉ là giữ gìn mà còn phải “kích hoạt giá trị” của văn hóa. “Chúng tôi tổ chức các buổi biểu diễn nghề dệt, giao lưu với du khách, tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá qua mạng xã hội… để không chỉ bán sản phẩm mà còn kể câu chuyện của người Tà Ôi qua từng tấm vải”.

HTX Aza Koonh cũng là một trong những đơn vị hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường do Liên minh HTX Việt Nam triển khai, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng kênh tiêu thụ cho sản phẩm truyền thống.

Không chỉ du lịch và nghề truyền thống, các HTX ở A Lưới còn phát triển mạnh mảng nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ rõ ràng.

Xây dựng nông thôn mới ở Huế có dấu ấn đậm nét của các HTX (Ảnh: HNN).

Xây dựng nông thôn mới ở Huế có dấu ấn đậm nét của các HTX (Ảnh: HNN).

HTX Nông nghiệp Hồng Thượng, HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Hương Lâm... là những mô hình điển hình khi mạnh dạn đầu tư trồng chuối già lùn VietGAP, sâm Bố Chính, cá tầm, gà bản địa và các loại dược liệu quý. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, sản phẩm của các HTX được đánh giá cao về chất lượng, từng bước chinh phục thị trường nội địa và xuất khẩu.

Dễ nhận thấy, trong thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn TP.Huế đã khuyến khích các HTX kết hợp nông nghiệp với du lịch để tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, với các chương trình hỗ trợ thiết thực của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX TP Huế trong đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra giúp các HTX yên tâm sản xuất, thu nhập cũng ổn định hơn.

Nhờ vai trò “hạt nhân” của HTX, nhiều xã biên giới trước đây thuộc diện khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hoặc tiệm cận tiêu chí. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, các HTX còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giữ gìn môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Hướng tới du lịch xanh và nông thôn mới kiểu mẫu

Đáng chú ý, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX TP.Huế đã hỗ trợ thiết thực thông qua các chương trình như: đào tạo kỹ năng quản trị HTX, tổ chức tour học tập kinh nghiệm, cấp vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và kết nối thị trường…

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp được Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX TP.Huế triển khai đã giúp các HTX ở vùng sâu vùng xa có thể quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, giới thiệu tour du lịch cộng đồng online, đẩy mạnh bán hàng trên mạng xã hội – điều tưởng chừng xa vời cách đây chỉ vài năm.

Không dừng lại ở những thành quả hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn TP.Huế đang tiếp tục vạch ra lộ trình xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, với trọng tâm là phát triển du lịch xanh, gắn với bảo tồn văn hóa và nông nghiệp sạch. Các tuyến du lịch kết nối liên vùng, các sản phẩm đặc trưng gắn sao OCOP và chuỗi giá trị HTX sẽ là nền tảng để huyện biên giới này chuyển mình mạnh mẽ.

Thời gian tới, Huế dự kiến đẩy mạnh hỗ trợ các HTX tại các khu vực vùng cao cả về kỹ thuật, tài chính, kết nối thị trường… Trong tương lai gần, các địa phương hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế xanh, bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc trong khuôn khổ chương trình xây dựng nông thôn mới quốc gia.

Từ những bản làng xa xôi, con đường xây dựng nông thôn mới tại Huế đã thực sự được mở rộng bởi sự bền bỉ của người dân, sự sáng tạo của các HTX và sự đồng hành tận tâm từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX TP Huế. Đó không chỉ là hành trình phát triển kinh tế, mà còn là hành trình gìn giữ những giá trị sâu sắc của một vùng đất mang đậm hồn thiêng sông núi và bản sắc văn hóa.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/du-lich-cong-dong-nong-nghiep-xanh-trong-long-nong-thon-moi-o-hue-1108155.html
Zalo