Dự kiến giảm trừ chi phí giáo dục, y tế khi tính thuế thu nhập cá nhân

Với dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), ngoài khoản giảm trừ gia cảnh, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung các khoản giảm trừ trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế.

 Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính)

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính)

Tại họp báo thường kỳ Bộ Tài chính ngày 2/7, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết cơ quan này đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Theo ông Trương Bá Tuấn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, dự kiến sửa tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, ở 6 nội dung. Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện quy định về xác định khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế (như phát triển nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh...) và cách tính để phù hợp với xu thế, bối cảnh.

Mức giảm trừ gia cảnh dự kiến được nghiên cứu điều chỉnh nhằm phản ánh kịp thời mức sống của người dân, điều kiện vĩ mô. Với dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), ngoài khoản giảm trừ gia cảnh, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung các khoản giảm trừ trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế.

Biểu thuế cũng được nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng thu gọn, đơn giản hơn, thay vì 7 bậc như hiện hành.

Được biết, tại tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), một nội dung được Bộ Tài chính định hướng sửa đổi, bổ sung là biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương sau 15 năm áp dụng.

Bộ Tài chính cho biết, có quan điểm cho rằng biểu thuế hiện hành chưa hợp lý. 7 bậc thuế như hiện hành là quá nhiều. Việc giãn cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp. Mặt khác, số lượng phải quyết toán thuế tăng không cần thiết, trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế lũy tiến từng phần được thực hiện phổ biến ở các nước trên thế giới.

"Việt Nam có thể giảm số bậc thuế xuống dưới 7 bậc. Cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Việc giảm số bậc thuế sẽ tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, lập đề nghị xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Trước đó, nhiều ý kiến góp ý, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần sửa ngay trong năm 2025, để có hiệu lực từ đầu 2026, thay vì chờ theo lộ trình tới giữa năm 2026 mới thông qua.

Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2008. Đến nay, nhiều quy định được đánh giá là bất cập, cần phải điều chỉnh như mức giảm trừ gia cảnh. Hiện mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cùng với đó, biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương cũng được cho là không còn phù hợp với thực tế.

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/du-kien-giam-tru-chi-phi-giao-duc-y-te-khi-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-2025070220041026.htm
Zalo