Du học tiền tỷ, chọn về nước nhận lương 7 triệu
Khởi đầu công việc tại Việt Nam với mức lương không cao, nhưng nhiều du học sinh vẫn cảm thấy hài lòng với quyết định về nước.

Nhiều du học sinh chọn về nước làm việc thay vì ở lại quốc gia từng gắn bó trong 4 năm đại học. Ảnh: Phương Lâm.
Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, Hoàng Vân (sinh năm 2000, sống tại TP.HCM) quyết định về nước làm việc.
Thời điểm ấy, nhiều người cho rằng quyết định này là điên rồ, bởi việc tốt nghiệp đại học và ở lại Mỹ vẫn mang lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn, lương cao hơn và có thể thuận lợi thăng tiến. Dù vậy, Vân vẫn quyết định “di cư ngược” về nước và xác định xuất phát điểm sẽ không mấy dễ dàng.
Sáu tháng đầu, cô chấp nhận làm thực tập sinh với mức lương 7 triệu đồng, rồi nâng cấp dần lên nhân viên chính thức với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Con số này không thấm vào đâu so với số tiền hàng tỷ đồng bỏ ra để du học Mỹ, kèm theo những cú sốc văn hóa trong ngày đầu làm việc ở Việt Nam, nhưng Vân vẫn cảm thấy hài lòng và chưa từng hối hận khi quyết định trở về.
Về Việt Nam vì hạnh phúc hơn
Giống như Hoàng Vân, sau lễ tốt nghiệp tại Đại học Huddersfield (Anh) vào tháng 7/2022, Phương Chi (sinh năm 2000, sống tại Hà Nội) cũng nhanh chóng quay trở lại Việt Nam thay vì ở lại Anh tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp hay học tiếp lên bậc cao hơn. Với Chi, quyết định này xuất phát từ hai lý do lớn: Muốn về bên gia đình và chưa xác định rõ định hướng tiếp theo cho bản thân.
“Thời điểm đó, mình chưa chắc chắn về định hướng công việc. Nếu ở lại Anh với mức chi phí đắt đỏ như vậy, mình thấy về Việt Nam vẫn tốt hơn. Về nước cũng có nhiều cơ hội việc làm và mình tin rằng với khả năng của bản thân, mình vẫn có thể tìm được công việc phù hợp”, Phương Chi chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Ngay sau khi trở về, Chi bắt đầu gửi CV và đi phỏng vấn. May mắn mỉm cười khi cô nhận được lời mời thực tập tại một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kinh doanh - khá sát với ngành học mà cô theo đuổi tại Anh. Ba tháng sau, cô được tuyển dụng chính thức và gắn bó với doanh nghiệp này đến nay đã gần 2 năm.
Với Phương Chi, trở về nước không đồng nghĩa với việc phải mang theo “mác” du học sinh để tìm kiếm lợi thế. Ngay từ khi đi thực tập, cô đã xác định bản thân cần nỗ lực như bất kỳ sinh viên mới tốt nghiệp nào trong nước. Công ty cô cũng không quá quan tâm việc nhân sự học ở đâu mà chủ yếu đánh giá qua khả năng làm việc. Thực tế, đến nay, nhiều người không biết Chi từng đi du học.

Phương Chi mất khoảng 3 tháng để làm quen với văn hóa làm việc tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Nói thêm về trải nghiệm làm việc ở Việt Nam sau khi trở về, dù có một chút lợi thế về ngoại ngữ hay trải nghiệm sống ở môi trường đa văn hóa, cô vẫn tự đặt mình ngang hàng với các bạn cùng lứa. Mức lương khởi điểm cô nhận được cũng không có “ưu tiên” riêng, vì chính sách đã được quy định theo từng cấp bậc làm việc.
Giai đoạn đầu khi mới trở về, Chi hơi sốc văn hóa vì ở Anh, mọi người đề cao không gian cá nhân và ít tương tác. Còn tại Việt Nam, cô nhận thấy cộng đồng gắn bó hơn, quan tâm nhau nhiều, đôi khi hơi quá mức. Cô gái sinh năm 2000 mất khoảng 2-3 tháng để làm quen lại với môi trường sống và làm việc trong nước.
Dù vậy, Chi vẫn cảm thấy may mắn khi được làm việc tại một công ty đa quốc gia có văn hóa cởi mở, tôn trọng sự khác biệt cá nhân. Cô đánh giá môi trường làm việc hiện tại ở mức 8/10. Nếu để đánh giá tổng thể, Chi khá hài lòng với mức thu nhập và cơ hội phát triển hiện tại. Việc có gia đình và bạn bè bên cạnh là điểm cộng lớn, cô cũng dành lời khen cho chi phí sinh hoạt hợp lý và hoạt động giải trí phong phú tại Hà Nội.
“Cuộc sống là sự đánh đổi. Ở Anh, có thể mình sẽ cô đơn vì chủ nghĩa cá nhân quá mạnh, còn ở Việt Nam, đôi khi mình cần chủ động lên tiếng nếu muốn có không gian riêng. Nhưng nhìn chung, mình thấy môi trường hiện tại phù hợp với bản thân hơn”, Chi nói.
Trong khi đó, Phạm Quân (từng du học tại Mỹ) lại quyết định về Việt Nam vì cảm thấy không hoàn toàn thuộc về xã hội sở tại.
Nhiều người cho rằng không tìm được việc tốt ở Mỹ, chuột chạy cùng sào mới phải về nước, Quân cho rằng điều này không đúng. Bốn năm học ở Mỹ, cậu hiểu rõ cuộc sống ở nước ngoài không toàn màu hồng, từ áp lực học tập, chi phí sinh hoạt đến cảm giác lạc lõng, xa gia đình. Cậu không muốn mài mòn tuổi trẻ như vậy.
Do đó, tốt nghiệp thủ khoa với GPA 4/4, có cơ hội việc làm tại Mỹ, Quân vẫn quyết định về nước sau khi nhận bằng.
“Ai cũng thừa nhận mình học giỏi, dễ dàng xin việc ở Mỹ với mức lương cao, khoảng 40-60.000 USD/năm sau tốt nghiệp. Họ hỏi mình có nghĩ lại không, nhưng mình tin tương lai ở Việt Nam vẫn rộng mở”, Quân chia sẻ.
Việt Nam có nhiều “đất” phát triển
Hoàng Vân, Phương Chi hay Phạm Quân thuộc nhóm return migrants (người di cư trở về) - trở về quê hương sau một thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có nhiều lý do khiến người di cư quyết định trở về quê hương, bao gồm các yếu tố kinh tế, gia đình, xã hội và cá nhân.
Quân chọn về nước để khởi nghiệp, bắt đầu từ con số 0. Dù vậy, cậu cho rằng Việt Nam đang bứt phá, tốc độ phát triển cao, nhiều ưu đãi cho khởi nghiệp với thị trường rộng lớn.

Phạm Quân về nước khởi nghiệp, bắt đầu từ con số 0. Ảnh: NVCC.
Tận dụng lúc thị trường cross-border e-commerce (thương mại điện tử xuyên biên giới) tại Việt Nam còn mới mẻ, Quân xây dựng thương hiệu tiên phong. Cậu cho rằng điều này sẽ khó có được nếu chỉ làm thuê ở Mỹ. Theo cậu, lựa chọn sống ở đâu dựa trên cơ hội phát triển chứ không phải cứ phải ở nước ngoài mới yên tâm.
Đồng quan điểm, Phương Chi cho rằng việc trở về Việt Nam không hề đồng nghĩa với “tụt hậu” hay ít cơ hội. Ngược lại, cô cảm nhận được sự phát triển nhanh chóng của thị trường lao động trong nước.
“Mình nghĩ nếu về Việt Nam, du học sinh cũng không cần quá lo lắng. Việt Nam đang trong đà phát triển, cơ hội việc làm và môi trường sống vài năm gần đây cải thiện rõ rệt. Với những bạn có năng lực và sẵn sàng học hỏi, cơ hội vẫn rộng mở”, cô nói.
Bên cạnh đó, Chi cũng thẳng thắn nêu ra những kỳ vọng về môi trường làm việc trong nước. Theo cô, ba yếu tố quan trọng nhất mà các công ty cần cải thiện nếu muốn thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài là: Lương thưởng tương xứng, cơ hội thăng tiến rõ ràng và văn hóa tôn trọng thời gian cá nhân.
“Lương khởi điểm tại Việt Nam hiện nay vẫn đang thấp so với công sức bỏ ra. Nhiều bạn chấp nhận làm việc cật lực trong vài năm đầu chỉ để ‘học việc’. Nếu được trả lương xứng đáng, mọi người sẽ toàn tâm toàn ý hơn. Ngoài ra, tình trạng làm việc ngoài giờ, gọi điện giao việc bất kể thời điểm hay làm cả cuối tuần vẫn còn khá phổ biến. Đây là điều khiến mình khá e ngại”, cô tâm sự.
Ngoài ra, Phương Chi cũng chia sẻ góc nhìn đối với những định kiến dành cho du học sinh khi về nước. Nhiều người nghĩ rằng du học sinh thường “chảnh” hoặc kén chọn công việc, nhưng thực tế, cô và nhiều người trẻ khác chỉ mong tìm được môi trường tôn trọng cá tính, đồng thời cho cơ hội để học hỏi, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Qua đó, Chi tin rằng nếu tìm được môi trường phù hợp như hiện tại, du học sinh sẽ không ngần ngại về nước và gắn bó lâu dài. Với bản thân, Chi hài lòng với cuộc sống ở Hà Nội và đang cân nhắc Nam tiến để trải nghiệm môi trường mới, đồng thời tìm công việc sát với ngành học hơn so với công việc hiện tại.