Du học bóng đá ở xứ Samba, đi để biết mình là ai

Du học bóng đá, chuyện đã có từ lâu, các em đi để biết mình là ai và phấn đấu như thế nào...

Châu Á, cụ thể là Đông Á, không xa lạ với chuyện du học bóng đá. Huyền thoại Nhật Bản “King Kazu” (tên thật Miura Kazuyoshi) hiện nay 58 tuổi là chứng nhân sống còn chơi bóng đỉnh cao.

Sắp tới đây, 18 tài năng trẻ của TP.HCM sẽ lên đường sang Brazil, cụ thể đến CLB Gremio để học bóng đá 3 năm, nơi HLV huyền thoại Felipe Scolari (Big Phil) lên giáo án tập luyện.

 Những tài năng trẻ TP.HCM này sẽ sang CLB Gremio của Brazil, các em sẽ mở rộng tầm mắt để thấy sự phấn đấu của các bạn cùng tuổi.

Những tài năng trẻ TP.HCM này sẽ sang CLB Gremio của Brazil, các em sẽ mở rộng tầm mắt để thấy sự phấn đấu của các bạn cùng tuổi.

Nhắc đến King Kazu bởi anh thuộc một trong những “lớp” đầu tiên được LĐBĐ Nhật Bản gửi sang Brazil du học bóng đá. Cụ thể thế hệ của King Kazu có đến 20 người được đưa sang Santos, CLB lừng danh nơi ghi dấu tuổi thơ của Pele, Neymar... để học bóng đá lâu dài. Sau khi tốt nghiệp, LĐBĐ Nhật Bản khuyến khích các cầu thủ du học bóng đá của mình ở lại Brazil thi đấu nếu có CLB nào muốn có. Đó là những năm đầu 1990.

 HLV Felipe Scolari sẽ soạn giáo án cho những tài năng trẻ du học bóng đá của TP.HCM. Ảnh: Globe

HLV Felipe Scolari sẽ soạn giáo án cho những tài năng trẻ du học bóng đá của TP.HCM. Ảnh: Globe

Dễ thấy rằng, lúc đó Nhật đã nhìn thấy du học bóng đá là một chuyện, ở lại thi đấu cọ xát mới là điều tối quan trọng. Khi những cầu thủ Nhật ở lại Brazil thi đấu thì sau này mỗi khi tập trung đội tuyển Nhật, họ mới tạo sự khác biệt bằng trình độ vì đang chơi bóng tại Brazil, bởi nếu họ du học bóng đá xong về nước đá thì cũng không giúp nhiều. Vì bóng đá là liên tục cọ xát với những đối thủ hay hơn thì mới tiến bộ. Nhật cũng tạo dựng được thế hệ giỏi lần đầu góp mặt ở World Cup là France 98. Từ đó đến nay, tuyển Nhật liên tục góp mặt nhưng nhờ nâng chất đào tạo trong nước, các giải nội địa...

 King Kazu từng du học bóng đá ở Santos. Ảnh: A.S

King Kazu từng du học bóng đá ở Santos. Ảnh: A.S

Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, những năm tỉ phú Thaksin sở hữu Man. City, nhiều năm liền mỗi năm tỉ phú cũng gửi những tinh hoa trẻ của bóng đá Thái Lan sang du học bóng đá dài hạn. Đó là những “nhân chứng sống” như Dangda, Thonglao, Suri, Surat, Theerathep...

Gia đình cố tỉ phú Vichai sở hữu Leicester City gần hai thập niên qua, ông cũng trăn trở và giúp đỡ để bóng đá Thái Lan nâng tầm. Hàng năm, mạng lưới tuyển trạch của học viện Fox Football Academy của Leicester City tại Thái Lan gửi sang CLB mẹ ở Anh 14 đến 16 tài năng trẻ... học ba năm và khuyến khích nên ở lại Anh thi đấu nhưng rồi tuyển Thái Lan cũng không nâng tầm được ngoài "cái danh anh cả Đông Nam Á”. Các tài năng trẻ Thái Lan còn không thể góp mặt trong đội trẻ, đội hình dự bị thi đấu giải. Đại dịch COVID-19 bùng phát, Leicester City cũng bỏ luôn chương trình du học bóng đá này.

Về mặt du học bóng đá tư, hay tự túc, không thể nhắc đến hai con trai đầu của huyền thoại Fandi Ahmad.

Fandi Ahmad vốn có 4 năm chơi bóng ở Hà Lan và Thụy Sĩ. Ông thừa kiến thức trải nghiệm với tư cách là cầu thủ. Sau này ông đưa 2 con trai là Irfan và Ikhsan sang học viện Hercule của Tây Ban Nha từ tuổi 8, 9 để “hấp thu” dinh dưỡng, làm quen với bóng đá châu Âu ngay từ tuổi nhỏ. Đến tuổi 15, ông còn đưa 2 con sang Paraguay đầu quân CLB đá giải Paraguay. Đó là cách tiếp cận rất khoa học để hai con trai mình làm quen với bóng đá tiên tiến...

Tuy nhiên nay ở tuổi 25, 26 thời gian đẹp của cầu thủ thì hai trai đầu của huyền thoại cũng tầm Đông Nam Á hiện đang đá ở Thai-League. Họ cũng không thể sang Nhật Bản hay Hàn Quốc đá được do trình độ có hạn.

Trước đây, Thể Công từng đưa 20 tài năng nhí sang Bulgaria đào tạo dài hạn. Mới trở về các em thể hiện sự vượt đẳng cấp trong tư duy chơi bóng, sức mạnh, sự hiện đại... tuy nhiên chỉ sau vài năm thì “hòa tan” tất cả. Họ tuột dốc không khác những cầu thủ được đào tạo trong nước.

Sau khi được đào tạo bài bản, khoa học, hiện đại, các cầu thủ rất cần môi trường thi đấu có chất lượng cao hơn thì mới tiếp tục phát triển.

Đi du học bóng đá thì cứ đi. Đi để quan sát học hỏi, rồi biết mình là ai để ngày trở về siêng năng hơn, nỗ lực tột độ hơn, quyết liệt hơn, thậm chí cởi bỏ những dễ dãi quen thuộc mang tính tập quán, “lột xác” từ suy nghĩ và luyện tập để tự nâng mình. Cùng với đó là cả một hệ thống quốc gia khu vực phải cùng tiến lên.

DUY ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/du-hoc-bong-da-o-xu-samba-di-de-biet-minh-la-ai-post860050.html
Zalo