Dự báo lạm phát cả năm 2024 khoảng 4 - 4,5% do giá năng lượng và thực phẩm tăng

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, dự báo lạm phát năm 2024 có thể chạm ngưỡng 4 - 4,5%, vượt mức của năm 2023. Nguyên nhân chính được cho là áp lực từ đà tăng mạnh của giá năng lượng và thực phẩm trên thị trường toàn cầu.

Lạm phát xuống nhanh, ECB hạ lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu năm 2024 Kỳ vọng lạm phát Mỹ dần hạ nhiệt, tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước Lạm phát tại Anh có khả năng tăng vượt mục tiêu 2% của BoE

Kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng

Trong báo cáo phân tích về tình hình kinh tế trong nước, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đã đưa ra những đánh giá sâu sắc về các chỉ số kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm 2024.

Theo nhóm nghiên cứu, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ, nhờ vào sự phục hồi của kinh tế trong nước và tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển giảm 11,8%, phần lớn do tốc độ giải ngân đầu tư công chậm trong nửa đầu năm. Dù vậy, NSNN vẫn duy trì thặng dư 191.900 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả quản lý tài chính công.

Dự báo tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam năm 2024 (% yoy). Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp.

Dự báo tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam năm 2024 (% yoy). Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp.

Về tình hình lạm phát, nhóm nghiên cứu dự báo rằng, lạm phát trong năm 2024 dao động ở mức 4 - 4,5%, cao hơn so với năm 2023. Nguyên nhân chính là sự tăng giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu, kết hợp với tác động tiêu cực từ cơn bão số 3, khiến chi phí sản xuất và giá cả tiêu dùng leo thang.

Dù đạt được nhiều thành tựu, kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ rủi ro tỷ giá, biến động chính trị toàn cầu và khả năng suy giảm tiêu dùng nội địa. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,8 - 7%, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các giải pháp điều hành hiệu quả.

Kinh tế tăng trưởng bền vững

Cũng theo nội dung báo cáo phân tích của nhóm nghiên cứu về tình hình GDP trong nước, căn cứ theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và Báo cáo Ngành Ngân hàng Việt Nam quý III/2024, GDP trong giai đoạn này ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai kể từ năm 2020, chỉ đứng sau tốc độ tăng 8,98% của cùng kỳ năm 2022.

Xuất nhập khẩu 09 tháng của Việt Nam, 2020-2024 (tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Xuất nhập khẩu 09 tháng của Việt Nam, 2020-2024 (tỷ USD). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Theo đó, động lực chính cho tăng trưởng GDP đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 8,2%, đóng góp hơn 46% vào tổng GDP. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là trụ cột khi tăng trưởng đạt 8,34%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Theo nhóm nghiên cứu, sự giảm giá trong nhóm bưu chính, viễn thông đã phần nào kiềm chế mức tăng CPI, nhờ các chương trình khuyến mãi từ doanh nghiệp.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện, nước, và vật liệu xây dựng tăng cao. Riêng tháng 9, CPI tăng 2,18% so với cuối năm 2023.

Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam duy trì thặng dư thương mại với giá trị xuất siêu 20,79 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi Trung Quốc giữ vị trí dẫn đầu về nhập khẩu. Đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, với vốn FDI thực hiện đạt 17,34 tỷ USD, cao nhất trong năm năm qua, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Chia sẻ về triển vọng FDI trong các năm tới và những lĩnh vực nào cần được chú trọng để thu hút đầu tư hiệu quả hơn, theo ông Nguyễn Nhật Minh - thành viên nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, dựa trên số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam 9 tháng qua đạt gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Triển vọng FDI trong các năm tới được dự đoán sẽ tiếp tục tích cực, nhờ vào môi trường đầu tư ngày càng cải thiện và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Để thu hút FDI hiệu quả hơn, Việt Nam cần chú trọng vào một số lĩnh vực then chốt.

Đầu tiên là lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất chip bán dẫn và linh kiện điện tử, đang trở thành ưu tiên hàng đầu cho FDI tại Việt Nam. Với sự gia tăng nhu cầu toàn cầu về linh kiện điện tử và thiết bị công nghệ, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn như Intel, Samsung...

Để phát triển lĩnh vực này, Việt Nam cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp toàn cầu vốn

Ông Nguyễn Nhật Minh - thành viên nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cũng chỉ ra rằng, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo cũng là những lĩnh vực tiềm năng, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Để đạt được điều này, chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Đồng thời, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với những nỗ lực này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn cho FDI trong tương lai.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bao-lam-phat-ca-nam-2024-khoang-4-45-do-gia-nang-luong-va-thuc-pham-tang-165268.html
Zalo