Dự án nghìn tỷ vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam hiện ra sao?

Dự án xây dựng băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam được đầu tư, sẽ giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh Quảng Trị, tạo công ăn việc làm, góp phần vào công tác an sinh xã hội...

Dự án nghìn tỷ

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.489 tỷ đồng, quy mô với diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82ha, hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam chiều dài 6.115m. Công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1, 15 triệu tấn/năm và giai đoạn 2, 15 triệu tấn/năm.

Dự án hoàn thành sẽ giúp việc vận chuyển than từ Lào về Việt Nam thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Dự án hoàn thành sẽ giúp việc vận chuyển than từ Lào về Việt Nam thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tuyến băng tải vận chuyển than sẽ kết nối với đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào, điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, Quảng Trị).

Tuyến băng tải gồm các đoạn băng tải được kết nối với các trạm chuyển tải và các hạng mục công trình phụ trợ đồng bộ khác. Về phương án, tuyến gồm 3 đoạn, trong đó đoạn 1 là đoạn tuyến nằm trong phạm vi 100m tính từ đường biên giới về phía lãnh thổ Việt Nam đã được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết số 04 ngày 5/1/2024.

Về phân kỳ đầu tư các hạng mục dự án, giai đoạn 1 đầu tư tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm), chiều dài khoảng 6.115m.

Các công trình phụ trợ gồm các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây. Hệ thống cung cấp điện, điều khiển. Hệ thống cung cấp nước, thông tin liên lạc, kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu...

Giai đoạn 2 đầu tư bổ sung tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và gần sát với tuyến băng tải giai đoạn 1, chiều dài khoảng 6.115m cùng các công trình phụ trợ đồng bộ.

Theo tiến độ thực hiện dự án được đề ra, ở giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục để quý I năm 2025 khởi công dự án, đến quý IV năm 2026 tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động. Ở giai đoạn 2, sẽ khởi công vào quý II năm 2030 và đưa vào hoạt động quý IV năm 2031.

Cung ứng từ 16-32 triệu tấn than/năm, góp phần vào công tác an sinh xã hội

Trao đổi với PV Gia đình và Xã hội, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo kết quả khảo sát, trữ lượng than đá tại 2 tỉnh Sekong và Salavan (cách cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 118km) ước tính khoảng 0,8-1 tỷ tấn. Nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển ước tính khoảng 20-30 triệu tấn/năm.

Các mỏ than ở các tỉnh nước bạn Lào có trữ lượng rất lớn.

Các mỏ than ở các tỉnh nước bạn Lào có trữ lượng rất lớn.

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng tại Cửa khẩu quốc tế La Lay chưa đồng bộ, chưa có bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc phương tiện vận tải và hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông hàng hóa cũng như của phương tiện trên tuyến.

Ông Lê Đức Tiến cho biết, dự án xây dựng kho bãi và hệ thống băng tải kết nối hai kho bãi để vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam qua cặp Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La-lay (Sả-lạ-văn) được đầu tư sẽ góp phần giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay, khắc phục nguy cơ ùn tắc trên tuyến đường vận chuyển từ Quốc lộ 15D đến cửa khẩu.

Ngoài ra, dự án sẽ giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh Quảng Trị từ nguồn nhập khẩu than qua cửa khẩu và các khoản thu khác từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có liên quan. Tạo công ăn việc làm rất nhiều lao động, góp phần vào công tác an sinh xã hội cho nhân dân địa phương trong khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, dự án góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng về khói bụi. Đặc biệt, đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án đưa vào hoạt động sẽ đảm bảo cung ứng từ 16-32 triệu tấn/năm, bù đắp một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước phục vụ phát triển các ngành kinh tế.

Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/du-an-nghin-ty-van-chuyen-than-da-tu-lao-ve-viet-nam-hien-ra-sao-172240702084539645.htm
Zalo