Dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt giờ ra sao?

Dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng vốn đầu tư hơn 24.900 tỉ đồng vẫn chờ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Ngày 20-7, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thông tin dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt đang được thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

 Đầu tàu lửa chạy bằng hơi nước đang được bảo tồn tại ga Đà Lạt. Ảnh: KN

Đầu tàu lửa chạy bằng hơi nước đang được bảo tồn tại ga Đà Lạt. Ảnh: KN

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) có chiều dài khoảng 83,5 km. Dự án này dự kiến có 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).

Trong đó, khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm (phường Đô Vinh, tỉnh Khánh Hòa) đến ga Trại Mát (phường Xuân Trường -Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với chiều dài khoảng 76,8 km và nâng cấp đoạn tuyến ga Trại Mát đến ga Đà Lạt là đoạn tuyến đang khai thác với chiều dài khoảng 6,7 km.

Tháng 9-2023, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) thẩm định và trình duyệt chủ trương đầu tư dự án dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng kết hợp BOT và O&M.

Cụ thể, dự án trên được chia thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 là hạng mục bồi thường, di dời và tái định cư.

Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đoạn ga Tháp Chàm - ga Trại Mát bao gồm công trình nền đường, cầu, hầm, cống, nhà ga, đường ray, đường gom và các công trình phụ trợ khác. Dự án thành phần 3 là đoạn tuyến ga Trại Mát - ga Đà Lạt đang khai thác.

Đơn vị chuẩn bị dự án là Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Sao Biển. Tổng mức đầu tư dự án hơn 24.900 tỉ đồng. Dự án được chuẩn bị đầu tư từ cuối năm 2022 và sẽ chạy thử, vận hành thử vào cuối năm 2029.

 Một đoạn đường sắt răng cưa tại ga Đà Lạt. Ảnh: KHOA DANH

Một đoạn đường sắt răng cưa tại ga Đà Lạt. Ảnh: KHOA DANH

Tuy nhiên, đến tháng 10-2023, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện nội dung sử dụng vốn Nhà nước của dự án; đồng thời hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo tiền khả thi.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết đến nay Bộ Xây dựng chưa có kết quả thẩm định về nội dung dự án. Cơ quan này cho hay trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Cục Đường sắt Việt Nam để tham mưu UBND tỉnh trong công tác hoàn thiện chủ trương xây dựng khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũ đã có đề xuất khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt. Đề xuất được đưa ra dựa trên quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó đến năm 2030 Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ khôi phục tính độc đáo của tuyến đường sắt răng cưa.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt vẫn còn lưu dấu hoài niệm trong ký ức của những người lớn tuổi ở tỉnh Ninh Thuận cũ.

 Những đường hầm xuyên núi trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt cũ. Ảnh: KHOA DANH

Những đường hầm xuyên núi trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt cũ. Ảnh: KHOA DANH

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932. Tuyến đường sắt này có chiều dài 84 km, trong đó có 16 km là đường sắt răng cưa, giúp tàu leo dốc núi đoạn từ huyện Ninh Sơn cũ lên Đà Lạt.

Từ năm 1968, chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn. Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt được tháo gỡ. Tuyến đường sắt này chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài 6,7 km khai thác tàu du lịch.

Hiện nay, dọc theo tuyến đường sắt năm xưa vẫn còn một số dấu tích đã xuống cấp như nhà ga Eo Gió và các đường hầm vượt núi.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-an-khoi-phuc-tuyen-duong-sat-rang-cua-thap-cham-da-lat-gio-ra-sao-post861380.html
Zalo