Dự án chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể hoàn thành do vướng mắc về vốn

Sau nhiều lần gia hạn đến nay dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng do khó khăn về nguồn vốn thanh toán, dù đã thi công được hơn 90% khối lượng công việc.

Nước ngập đến hơn nửa mét khiến người dân TP Hồ Chí Minh di chuyển hết sức khó khăn. (Nguồn: TTXVN)

Nước ngập đến hơn nửa mét khiến người dân TP Hồ Chí Minh di chuyển hết sức khó khăn. (Nguồn: TTXVN)

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn I với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018.

Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn đến nay dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng do khó khăn về nguồn vốn thanh toán, dù đã thi công được hơn 90% khối lượng công việc.

Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn cho biết tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 4/7.

Ông Quách Ngọc Tuấn cho biết, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với 6 cống kiểm soát triều lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án được triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT ký với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam vào cuối năm 2015.

Chính thức khởi công ngày 26/6/2016, đến nay Dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng thực hiện; trong đó cống Bến Nghé hoàn thành 97%, cống Tân Thuận hoàn thành 93%, cống Phú Xuân hoàn thành 90%, cống Mương Chuối hoàn thành 93%, cống Cây Khô hoàn thành 86%, cống Phú Định hoàn thành 88%, phần đê kè hoàn thành 85%, cầu Kinh bà Bướm hoàn thành 92%, Nhà quản lý trung tâm hoàn thành 85% và đã hoàn thành 100% hệ thống SCADA.

Tuy nhiên, theo ông Quách Ngọc Tuấn, công tác thi công dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán, phải tạm dừng thi công trong thời gian qua, chưa có mốc thời hạn hoàn thành.

Nguyên nhân là do đã hết thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ tháng 9/2020 theo Quyết định số 770/QĐ-NHNN ngày 27/4/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dừng giải ngân cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV để tiếp tục cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố được tiếp tục triển khai thực hiện Dự án, theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015 của Văn phòng Chính phủ và các thủ tục đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, nhằm bảo đảm lợi ích về kinh tế-xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Đến ngày 31/1/2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Phụ lục Hợp đồng BT và Biên bản thỏa thuận với Nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, do cơ chế thanh toán hợp đồng BT theo quy định chỉ cho thanh toán bằng đất, riêng Dự án này được cơ chế đặc thù thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách, nên có vướng mắc về cơ sở pháp lý để thanh toán đồng thời đất và tiền ở thời điểm hiện nay.

Đồng thời, do khó khăn vướng mắc trong việc thanh toán cho nhà đầu tư nên Ngân hàng BIDV chưa thể giải ngân nguồn vốn tái cấp vốn dự án.

Ông Quách Ngọc Tuấn cho biết thêm, Thành phố Hồ Chí Minh đã có Tờ trình báo cáo Tổ Công tác Chính phủ về khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 và đề xuất giải pháp ban hành Nghị quyết mới để giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán cho dự án, giải pháp huy động nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình, điều chỉnh tổng mức đầu tư theo kết luận Kiểm toán Nhà nước… nhằm sớm thi công hoàn thành công trình.

Nếu được tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhà đầu tư cam kết sẽ thi công hoàn thành công trình trong vòng 6 - 8 tháng kể từ ngày được giải ngân.

Trước đó, có thông tin nhà đầu tư Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ bắt đầu huy động nhân sự, thiết bị để triển khai thi công trở lại cống Bến Nghé từ ngày 1/6/2024.

Ông Quách Ngọc Tuấn xác định vào ngày 17/5/2024, nhà đầu tư là Công ty Trung Nam có văn bản thông báo gửi đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc sẽ bắt đầu huy động nhân sự để thi công trở lại cống Bến Nghé từ ngày 1/6/2024.

Theo đó, nhà đầu tư có kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố sớm chấp thuận bãi đổ bùn đất, để có thể triển khai thi công nạo vét, thảm đá gia cố lòng sông, đồng thời kiến nghị cấp phép thi công các hạng mục trên bờ.

Các kiến nghị nêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu giải quyết.

Hiện nay các đơn vị đang tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm tạo điều kiện sớm thi công hạng mục cống Bến Nghé./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/du-an-chong-ngap-o-thanh-pho-ho-chi-minh-chua-the-hoan-thanh-do-vuong-mac-ve-von-post962961.vnp
Zalo