Đột phá thu hút đầu tư

Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế thế giới, nhưng tỉnh đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Nhờ vậy, thu hút đầu tư của tỉnh có bước đột phá, đặc biệt thu hút vốn FDI đạt gần 150% kế hoạch năm, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng GRDP của tỉnh. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Phúc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Xin đồng chí cho biết khái quát kết quả về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2024?

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đến tháng 11, toàn tỉnh đã cấp mới 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 190 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án với số vốn tăng 400 triệu USD; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 590 triệu USD, vượt gần 50% kế hoạch năm 2024.

Về thu hút đầu tư DDI, cấp mới 16 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.554 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với số vốn tăng 1.597 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 5.151 tỷ đồng.

Lũy kế đến hết 15/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, trong đó có 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 với dự kiến khoảng 3,2 tỷ USD vốn FDI và hơn 63.600 tỷ đồng vốn DDI.

Công ty TNHH Polaris Việt Nam, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty TNHH Polaris Việt Nam, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Các dự án tỉnh đã thu hút, cấp mới và tăng vốn là các dự án công nghệ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị về điện tử, ô tô, xe máy theo đúng định hướng của tỉnh.

Điển hình như dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BH Flex tại KCN Khai Quang tăng tổng vốn đầu tư 75 triệu USD; dự án Korea Circuit Vina của Korea Circuit và Interflex Vina đầu tư 150 triệu USD tại Cụm công nghiệp Đồng Sóc tăng 91 triệu USD; dự án trung tâm dữ liệu HN03 của Công ty cổ phần Viễn thông FPT với tổng vốn đầu tư hơn 1.121 tỷ đồng…

Trong đó, có một số doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn nghiên cứu đầu tư vào tỉnh như Công ty cổ phần Signetics... Đây là một bước đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Đồng chí cho biết hiệu quả kinh tế của một số dự án FDI thế mạnh trên địa bàn tỉnh?

Dự kiến hết năm 2024, tỉnh sẽ có thêm khoảng 31 dự án FDI hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 211 triệu USD.

Đáng chú ý, có đến 18 trong số 31 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử, một ngành có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng công nghiệp công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử hiện được xem là một trong những trụ cột chính của chiến lược phát triển công nghiệp tại tỉnh. Việc có thêm nhiều dự án mới trong lĩnh vực này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất của địa phương mà còn gia tăng giá trị cho các sản phẩm công nghiệp, qua đó củng cố vị thế của tỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các dự án này dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm mới cho lao động địa phương, từ đó cải thiện thu nhập và chất lượng sống của người dân trong khu vực.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI trong ngành điện - điện tử sẽ mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước hợp tác, học hỏi công nghệ hiện đại và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, việc phát triển các dự án này còn đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khi các dự án này đi vào hoạt động, không chỉ nền kinh tế của tỉnh được hưởng lợi mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới các ngành công nghiệp liên quan, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm điện - điện tử ngày càng tăng.

Đây chính là bước đệm quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược trong tương lai, khẳng định vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại khu vực.

Công ty cổ phần MK Vision, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) đặt mục tiêu sản xuất 10.000 sản phẩm trong năm 2024, tiếp tục khẳng định lợi thế tự chủ công nghệ với sản phẩm “Make in Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty cổ phần MK Vision, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) đặt mục tiêu sản xuất 10.000 sản phẩm trong năm 2024, tiếp tục khẳng định lợi thế tự chủ công nghệ với sản phẩm “Make in Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Lượng

Các giải pháp thu hút đầu tư phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo là gì, thưa đồng chí?

Năm 2025, tỉnh dự kiến sẽ thu hút được thêm 22 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 500 triệu USD và 12 dự án DDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 2.200 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư như Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...

Tập trung kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Bảo đảm môi trường đầu tư ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, thích ứng kịp thời và hiệu quả.

Tích cực áp dụng các thủ tục đầu tư kinh doanh linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm đối với những ngành, nghề kinh doanh. Minh bạch hóa các hoạt động quản lý Nhà nước về đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ; phát triển Chính phủ điện tử tại tỉnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.

Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp với chính sách ưu tiên tiếp cận một số thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ và các nước ASEAN. Đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết trong EVFTA theo hướng đảm bảo lợi ích giữa Việt Nam - EU...

Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cấp nước sạch; cấp điện sản xuất; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện....

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Hùng (thực hiện)

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121331//dot-pha-thu-hut-dau-tu
Zalo